Egypt Israel Oct 2007

2011 Our Lady of Guadualupe




Bấm nút "Download Now"
để cài Windows Media Player. 
Windows Media Player 11
Download Now

Windows Media Download Center
 


Wednesday, June 01, 2011

2011 Our Lady of Guadualupe

Monday, December 13, 2010

Click to play this Smilebox greeting
Create your own greeting - Powered by Smilebox
Create your own greeting card


Merry Christmas and Happy New Year

Thursday, June 30, 2005

DANH XƯNG TRONG GIÁO HỘI 4

Trần Mỹ Duyệt


- Allo! Duyệt hả? Sáng nay có dự thánh lễ tạ ơn của tân linh mục Thượng không?

- Không! Thưa anh.

- Tại sao?

- Lúc đầu em đã có ý định đi, nhưng giờ chót có phiên họp quan trọng nên không đi được. Có gì đặc biệt không anh?

- Có. Lần đầu tiên sau nhiều năm và nhiều lần cố gắng, hôm nay trong thánh lễ tạ ơn và buổi tiếp tân sau đó, không có một từ cha/con nào được nhắc tới. Tất cả là linh mục/tôi, hoặc linh mục/chúng tôi. Nhưng mọi người đều vui vẻ, hài lòng. Bầu khí trọng kính, thái độ hòa nhã, và tư cách lịch sự vẫn thấy tỏa ra.

- Vậy anh có thấy mình phải cố gắng lắm không? Anh có sợ rằng việc làm của anh sẽ bị dị nghị và đả kích không?

- Cố gắng là điều dĩ nhiên. Sau gần 70 năm gọi cha xưng con, từ ngữ này đã vào đến xương tủy, bây giờ gọi linh mục xưng tôi tự nhiên thấy ngượng miệng. Ngượng miệng còn hơn gọi cha xưng con. Do đó, anh đã phải cố nhủ mình, mọi sự phải được bắt đầu, và đã nhất định không dùng từ cha/con trong khi điều hành và hướng dẫn thánh lễ cũng như trong buổi tiệc tiếp tân.

- Riêng về vấn đề dị nghị thì anh không thấy. Có lẽ người mình gọi cha xưng con cũng chỉ là thói quen, nên bây giờ gọi linh mục xưng tôi cũng sẽ trở thành quen miệng thôi. Hơn thế, khi gọi linh mục xưng tôi, anh cảm thấy gần gũi, thân mật, và tự nhiên hơn khi gọi cha xưng con.


Trên đây là mẩu đối thoại giữa người viết và một vị có thế giá lớn trong sinh hoạt cộng đồng và cộng đoàn tại Nam California, và một phần trong những sinh hoạt tôn giáo tại Hoa Kỳ.

Từ cha/con vẫn được người Công Giáo Việt Nam dùng để giao tế và xưng hô với các linh mục, như phần đông vẫn thường quan niệm đó chỉ là một lối xưng hô "quen miệng", và nó đã đi vào tâm thức, khiến trở thành tập quán. Do đó, để sửa lại lối xưng hô này, cũng đòi hỏi thời gian như thời gian đã tạo nên nó. Một thời gian ảnh hưởng đủ để không cảm thấy ngại ngùng, ngượng miệng khi xưng hô linh mục/tôi hoặc linh mục/chúng tôi như hiện nay vẫn thường quen miệng gọi cha, xưng con, hoặc gọi con xưng cha.

Trong bài trước, khi đề nghị Hội Đồng Giám Mục Việt Nam hoặc các giám mục có phản ứng và trực tiếp hơn vào việc chuyển đổi lối xưng hô này, người viết cũng gợi ý là các linh mục cũng hãy tự đơn giản hóa, nhẹ nhàng, và thân mật hơn khi xưng hô với tín hữu bằng cách tránh dùng từ cha/con. Nhưng trong thâm tâm, người viết vẫn nghĩ rằng, đấy chỉ là một gợi ý mang phần lý thuyết, ít hy vọng sẽ xẩy ra trong thực tế. Lý do, vì lối xưng hô cha/con hoặc con/cha đã trở thành một tập quán và đi vào dòng chính của sinh hoạt của người Công Giáo Việt Nam, đến nỗi chính các giám mục cũng gọi cha xưng con với nhau, và dĩ nhiên, các linh mục cũng xưng hô với nhau và các tín hữu như vậy.

Tập quán khi đã trở thành một hình thức sinh hoạt xã hội, dù chỉ là trong phạm vi tôn giáo, đều mang tính vô thức. Tự động phát ra, và tự động nói lên đến nỗi không cần phải suy nghĩ. Nhiều khi nói mà chẳng biết mình nói gì, hoặc tại sao mình lại xưng hô như vậy. Vì thế, việc sửa đổi lối xưng hô đã trở thành tập quán như vậy tất nhiên gặp nhiều khó khăn.

Trước hết, là đối với tập thể. Tâm lý quần chúng sẽ không dễ chấp nhận một sự sửa đổi nếu hành động nào đó đã trở thành truyền thống, lề thói hay tập tục. Trong văn chương Việt Nam đã diễn tả cái ảnh hưởng tâm lý quần chúng ấy như sau: "Phép vua thua lệ làng".

Tiếp đến, người muốn sửa đổi phải đối diện với phản ứng của chính mình, một phản ứng nghĩ ngợi, ngượng ngùng. Rồi phản ứng của quần chúng quanh mình. Một người bạn bác sĩ của tôi tâm sự:

"Vẫn biết làm bác sĩ thì cũng chỉ là một nghề. Ngoài cải bề mặt bác sĩ ấy, mình cũng vẫn là một người mang tên Mít hay Xoài. Vậy mà, mỗi lần y tá hoặc bệnh nhân vô tình hay hữu ý không gọi mình là bác sĩ Mít hay bác sĩ Xoài, mà gọi là ông Mít hay ông Xoài, thì tự nhiên thấy khó chịu., coi như một sự xúc phạm".

Rồi anh kết luận:

"Mình là những người thường ngày phải va chạm với đủ mọi thứ hạng người. Bị khen chê đủ điều mà còn coi cái mặt của mình to như thế, thì việc bảo các linh mục chấp nhận để nghe gọi mình linh mục và nghe người khác xưng tôi, thì chắc sẽ không làm hài lòng các vị đó đâu".

Nhận xét của người bạn trên đúng về mặt tâm lý. Thiết tưởng nó không chỉ đúng cho những người như anh, như tôi, như chúng ta, mà cũng đúng cho cả giới tu hành nữa. Ở trước công chúng mà được nghe người ta ca tụng, hoặc cung kính cúi đầu vị nể thì dù là tu hành cũng khó lòng tránh khỏi mặc cảm tự tôn. Tự coi mình là quan trọng, là xứng đáng. Một linh mục cao niên, đã có lần nói: "Cụ biết là chúng nó rim rán cụ, ấy thế mà cụ vẫn cứ thích". Linh mục này có ý nói rằng trước những lời xưng hô, ca tụng bề ngoài ấy, vẫn biết phần lớn là giả dối, dua nịnh, nhưng vẫn thích nghe. Và đó là tâm lý tự nhiên của con người. Tâm lý thích được người ca tụng.

Tuy nhiên, không hẳn rằng mọi giám mục Việt Nam, linh mục Việt Nam đều thích lối xưng hô như hiện nay. Và cũng không hẳn rằng mọi người Công Giáo Việt Nam thích lối xưng hô ấy. Vì bằng chứng cụ thể là vẫn có những giám mục, linh mục trong lối xưng hô và nói chuyện không hề quan trọng và coi nặng hình thức. Độc giả nghĩ gì về một mẩu đối thoại như sau: "Anh làm hộ mình cái này được không?" Hoặc: "Trong lần gặp nhau kỳ tới chúng mình sẽ thảo luận thêm về đề tài hôn nhân gia đình. Nhưng anh nhớ phải cho thêm những dẫn chứng cụ thể".

Cung cách đối thoại và lối xưng hô như vậy là một cung cách đối thoại thân thiện, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau. Một cung cách cư xử khiến người dưới không thể nào cưỡng lại được mà không tự lòng mình phát ra sự cảm mến. Lúc ấy dù không ai bắt buộc, cũng tự cảm thấy mình rất hãnh diện và sung sướng được làm người "con tinh thần" đối với một người "cha tinh thần" rất quí mến như vậy. Chứ không phải bề ngoài xưng con gọi cha mà trong lòng thì khó chịu: "Chỉ bằng tuổi đứa con út người ta mà một chữ oon, hai chữ con. Một chữ cha, hai chữ cha".

NÊN BẮT ĐẦU TRƯỚC

Tuy nhiên, như đã trình bày, thành phần tín hữu giáo dân nên bắt đầu trước. Vì có thể nói, cái làm nên một truyền thống xưng hô như hiện nay là phần lớn cũng tại tín hữu giáo dân. Do đó, việc sửa lại lối xưng hô ấy người tín hữu cũng phải góp phần chủ động:

1. Từ bản thân:
Bắt đầu từ chính mình trước. Coi đây như một quyết tâm, và tự nhủ với lòng mình về lối xưng hô linh mục/tôi, hoặc linh mục/chúng tôi.

Như đã trình bày, đây là bước đầu của lối xưng hô linh mục và người đối thoại là các Kitô hữu, nên sẽ có những ngượng ngùng, nghĩ ngợi, và lúng túng. Nhưng nếu quyết tâm, rồi ra ta cũng sẽ thấy mình vượt được những ngãng trở này. Nhưng còn đối với những linh mục tuổi tác, quen thân thì sao?

Trong trường hợp một linh mục cao niên, quen thân đến độ nếu gọi linh mục xưng tôi sẽ tạo nên sự hiểu lầm và làm lìa tình cảm, thì trong trường hợp như thế, từ linh mục/con vẫn có thể tạm thời xử dụng, ít là trong chỗ thân mật, riêng tư.

Không những không dùng từ cha/con trong lối xưng hô, mà không dùng từ cha/con trong văn chương, chữ nghĩa. Nếu trong cách nói không xử dụng từ cha/con, thì trong văn chương cũng không nên dùng từ này. Việc bắt đầu bằng văn từ xem ra dễ dàng hơn, vì người viết không phải đối diện với một linh mục, hoặc không phải đối diện với những người nghe không có cùng quan niệm xưng hô như mình.

Văn chương tư tưởng dẫn đến và làm nên triết lý sống của một dân tộc. Như văn hóa đã từng ảnh hưởng đến tâm lý và phong tục, ảnh hưởng của văn chương Công Giáo cũng sẽ góp phần vào việc sửa lại một quan niệm và tập quán xưng hô như hiện nay.

2. Đến gia đình:
Lối xưng hô cha/con phần nào cũng do ảnh hưởng của gia đình, và do đó, việc sửa đổi ấy cũng nên bắt đầu từ trong gia đình.

Ở gia đình, cha mẹ sẽ dễ dàng huấn luyện và cắt nghĩa lối xưng hô xứng hợp để con cái biết và bắt chước. Ông bà nội, ngoại của linh mục không gọi linh mục là "cha" và xưng "con". Cha mẹ không gọi người con linh mục của mình là "cha" và xưng "con". Anh, chị, hay em của linh mục không gọi linh mục là "cha" và xưng "con".

Trật tự và lề lối giáo dục gia đình là điều kiện tốt để gia đình và những người trong gia đình làm quen với lối xưng hô linh mục/tôi hay linh mục/chúng tôi ngoài xã hội. Người con, người cháu dù là linh mục hay giám mục cũng không nên gọi ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì, anh, chị, em mình là "con" và xưng "cha".

3. Và văn hóa sống:
Như vừa trình bày ở trên, nếu tất cả những văn sĩ, thi sĩ Công Giáo nhất loạt dùng từ ngữ linh mục/chúng tôi, hoặc linh mục/tôi trong văn hóa phẩm của mình, thì sức mạnh của tư tưởng sẽ tạo nên một sự đổi mới rất đáng kể, còn hơn một thông cáo của Hội Đồng Giám Mục.

Những gì được lặp đi, lặp lại, và đọc đi, đọc lại trên sách vở, báo chí sẽ có một ảnh hưởng tâm lý thẩm thấu rất đặc biệt. Đây cũng là một lối áp dụng tâm lý để đi vào quần chúng. Một người viết, hai người viết, và nhiều người viết dần dần sẽ ảnh hưởng đến độc giả.


KẾT LUẬN

Tóm lại, những hành động và lề thói khi đã trở thành tập quán, đã trở thành một phần trong sinh hoạt thường ngày của chúng ta nếu muốn sửa lại cũng phải có thời gian. Nó cần phải được lập đi, lập lại dưới hình thức này hay hình thức khác. Việc sửa lại lối xưng hô cha/con trong lãnh vực tôn giáo trong giáo hội như hiện nay là một việc làm đòi thời gian. Nhưng đây không phải là một điều không thể không làm được.

Wednesday, June 15, 2005

III. DANH XƯNG TRONG GIÁO HỘI

Trần Mỹ Duyệt


Như tôi đã khẳng định trong 2 bài trước khi viết và bàn về lối xưng hô có liên quan đến những mối tương giao và đối thoại trong Giáo Hội; đặc biệt, trong bối cảnh xã hội của con người thời nay. Khẳng định đó là: Không bao giờ động tới thánh chức linh mục, và cũng không nhắm vào cá nhân linh mục. Vì đó là những điều mà hiển nhiên ai cũng biết không thuộc thẩm quyền phê phán và nhận định của con người. Và nếu làm công việc này với thái độ bất xứng là một điều tội lỗi. Do đó, những gì được trình bày chỉ xoay quanh quan niệm và lối xưng hô mà người Công Giáo Việt Nam hiện đang gặp nhiều rắc rối trước đà tiến của nhân loại, cũng như trước những quan niệm đổi mới về nhân phẩm, nhân quyền, và lề thói suy nghĩ của con người thời đại mà người viết nghĩ rằng đã đến lúc cần phải sửa đổi.

Trở lại danh xưng cha/con mà tôi, và có lẽ một số đông anh chị em tín hữu lúc này, quan niệm rằng, đó chỉ là một lối xưng hô hoàn toàn quen miệng, tập quán, và dĩ nhiên, có đôi chút mặc cảm tự ty và tự tôn trong đó như tôi đã phân tích ở bài trước. Qua bài này, tôi muốn nhấn mạnh thêm về khía cạnh tâm lý xã hội như một yếu tố làm nên tập quán của lối xưng hô quen thuộc ấy.


Thí dụ 1:


- Con xin chào cha Hùng. Cha mạnh khỏe không? Cha từ đâu tới California này vậy?
- Thưa cha, con mới từ Việt Nam qua thăm ông bà cố ở California, và hôm nay con hân hạnh được đến đây gặp cha.
- Thế ông bà cố có mạnh khỏe không? Sao có con làm cha mà dấu kỹ thế, hôm nay mới cho biết vậy?
- Cám ơn Chúa, cám ơn hai cha, chúng con vẫn mạnh khỏe. Chẳng dấu gì hai cha, cha nhà con đây mới chịu chức. Chúng con định bao giờ cha qua thì chở ngài đến thăm cha và luôn tiện giới thiệu ạ.
- À! Thế ra cha mới chịu chức. Vậy ông bà cố đã đưa cha con đây đi tham quan đâu chưa? Ở California này có nhiều chỗ đẹp lắm, lúc nào rỗi chở cha đi một vòng đi.
- Dạ, cám ơn cha chỉ bảo, chúng con đã nói với mấy con con bao giờ chở cha đi, nhưng chúng nó nói rằng, cái đó còn tùy nơi ngài ạ.

Câu truyện trao đổi, dù mang tính xã giao trên, từ cha, mẹ, con, và linh mục hầu như không ý thức được vai trò, vị thế, và chỗ đứng của mình trong xã hội. Họ đã để cho một tập quán vô thức khởi động họ và ảnh hưởng đến cách xưng hô của họ. Một người con làm linh mục thì gọi là “cha”, những người con khác thì gọi là “chúng nó”. Con trước khi chưa làm linh mục và sau khi làm linh mục cũng vẫn là con, nhưng nay lên chức “cha” và chức “ngài”. Bố mẹ trước đây bây giờ xuống trở thành “con”. Và cha nọ làm con cha kia. Tập quán ấy đã làm họ đảo lộn một cách máy móc và gò gượng những vai trò và địa vị xã hội cũng như giáo hội cần phải có để tôn trọng phẩm giá và con người của nhau.

Thí dụ 2:


- Xin kính chào quí đức ông, quí cha, quí tu sĩ nam nữ. Trước hết, con xin được tự giới thiệu con là cha Thanh đang làm việc tại Louisiana, hôm nay vì vâng lời bề trên, nên đứng ra điều hợp buổi hội thảo này. Vậy trước khi chúng ta chính thức bước vào buổi hội thảo, xin đi một vòng tự giới thiệu và làm quen. Trước hết, quí đức ông, quí cha, quí tu sĩ nam nữ hãy cho biết tên, rồi đến nơi và địa sở hoạt động hiện thời.
- Vâng, kính thưa quí đức ông, quí cha và toàn thể anh chị em tu sĩ nam nữ. Để tiếp tục, con xin tự giới thiệu, con là cha Toan đến từ New York và đang làm quản nhiệm một cộng đoàn Việt Nam khoảng chừng 100 giáo dân. Ngoài ra, còn làm phó xứ một giáo xứ Mỹ.
- Con là đức ông Chương hiện làm chính xứ tại họ đạo Lương Diệm, đến từ Việt Nam. Con xin kính chào quí cha, và quí tu sĩ nam nữ tham dự đại hội.
- Con là xơ Madalena thuộc dòng Máu Thánh Chúa ở Louisiana.
- Con là thầy Đương đang học thần học năm thứ 3.

Không những đối với thành phần giáo dân, ngay cả giới tu hành cũng đã bị ảnh hưởng của lối xưng hô cha/con trong những sinh hoạt xã hội thường ngày của họ. Trong lối xưng hô của họ, những từ như đức cha, đức ông, cha già cố, cha cố, cha, thầy, xơ, rồi lại con, cứ thế luẩn quẩn trong cung cách “mặc áo thụng lậy nhau”. Và người ta tự hỏi, xưng hô như vậy mang ý nghĩa gì? Nếu linh mục gọi linh mục khác là cha và xưng con, thì giáo dân phải gọi linh mục, đức ông là gì, giám mục là gì và xưng mình là gì?

Và câu trả lời là với lối xưng hô như hiện nay, rõ ràng thành phần tu trì đang bị lấn cấn trong cái ảnh hưởng của tập quán và truyền thống mà chính họ đã thấm nhiễm ngay từ còn là một em bé.



Thí dụ 3:


- Thưa thầy. Khoảng mấy năm nữa thì Chúa cất nhắc thầy lên chức linh mục?
- Ồ! Năm nay con học năm thứ 3 thần học. Nếu không có gì trục trặc thì bằng rầy sang năm con sẽ chịu chức Sáu, và sau đó khoảng nửa năm thì sẽ chịu chức linh mục.
- Cám ơn Chúa! Như vậy là chỉ chừng vài năm nữa, thầy lẽ lên chức cha rồi. Vậy sau khi làm cha, thầy đã biết coi xứ nào chưa?
- Chưa biết. Cái đấy còn tùy Đức Cha, và cha quan thầy của con. Cũng có thể con sẽ về xứ mình phụ với cha già cố cũng chưa biết chừng.
- Như vậy là vui và có phúc lắm. Xứ mình có hai cha, cha già cố và cha nữa lúc đó tha hồ mà vui.

Từ con đến thầy. Rồi từ thầy đến cha. Và rồi lại trở về con. Thầy của giáo dân. Con của cha già cố. Con của các linh mục khác. Và cha của cộng đoàn dân Chúa. Như vừa trình bày ở thí dụ 2, chính thành phần tu hành cũng đang phải đối đầu với những vấn nạn về lối xưng hô của họ. Một lối xưng hô rất lộn xộn và thiếu hẳn tính tự tin về con người, vai trò, và địa vị của mình ngoài xã hội cũng như trong giáo hội.

Điều lạ lùng trong những lối xưng hô ấy, là dường như cũng không ai để ý và thắc mắc. Cứ thế ai sao mình vậy, nói vì quen miệng, hoặc nói như người khác nói, vì nếu không sẽ bị trách cứ.



- Thưa cha, con là đức ông...
- Thưa cha già, con là đức cha...
- Thưa đức ông, con là cha...
- Thưa cha già cố, con là cha...
- Thưa cha, con là cha...
- Thưa cha, con là thầy...
- Thưa cha, con là xơ...
- Thưa cha, con là ông cố...
- Thưa ông cố, bà cố, con là cha...


Cha già cố, đức ông, đức cha, cha, thầy, con. Những từ ngữ này được dùng hết sức lủng củng và bất nhất. Đức ông cũng xưng con. Đức cha cũng xưng con. Cha già cố cũng xưng con. Cha cũng xưng con. Thầy cũng xưng con. Xơ cũng xưng con. Ông bà cố cũng xưng con. Rồi cũng chính những người “con” ấy lại trở thành “ông cố, bà cố” “đức ông” “cha già cố” “cha” “thầy”, và “xơ”. Một người ngoài Công Giáo chắc chắn sẽ không thể hiểu được, và cũng không dễ gì cắt nghĩa để họ hiểu. Một lối xưng hô theo kiểu “sinh con rồi mới sinh cha. Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông” như vậy mà tại sao lại được mọi người xử dụng thì điều này chỉ có thể cắt nghĩa bằng tập quán, và truyền thống.

Tập quán là hành động làm đi làm lại nhiều lần. Nhiều lần làm một việc sẽ trở thành quen, và khi thói quen ấy đi vào sinh hoạt của một người, hay của một cộng đồng, một dân tộc nó trở thành tập quán hay truyền thống. Lối xưng hô cha/con hoặc con/cha hiện nay cũng chỉ là một lối xưng hô đã trở thành tập quán. Ưu điểm của tập quán là biến một hành động nào đó trở thành máy móc, và có thể phản xạ một cách tự nhiên. Nhưng khuyết điểm của nó là biến hành động của một người mất đi cái ý thức và sự can thiệp của lý trí. Loại bỏ giá trị nhân tính ra ngoài hành động. Thí dụ, chớp mắt là một phản xạ tự nhiên, rất máy móc và không cần phải suy nghĩ.

Ngoài ra, tập quán ấy lại được dung dưỡng bởi quan niệm và lối sống của xã hội từ trước đến nay, khiến nó đã mặc nhiên đi vào dòng sinh hoạt của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam với lối xưng hô cha/con, đức ông, ông cố, bà cố, cha già cố, cha cố và rồi trở lại con như vậy. Tập quán ở một người nay biến thành truyền thống của một nhóm người và của tập thể.

Thiết tưởng lúc đầu lối xưng hô cha/con như thế, và được xưng hô như thế cũng không hẳn đã làm hài lòng hoặc thích thú đối với nhiều người. Nhưng do ảnh hưởng xã hội và lối sống chung của Giáo Hội đã từ từ thấm nhập và một lúc nào đó đã trở thành nên lối xưng hô của chính mình.

Và như vậy, nếu gọi linh mục là bác, chú, anh, em, và xưng là tôi, em, cháu, hoặc con theo tuổi tác, địa vị xã hội không thể bị coi là một lối xưng hô bất kính, thiếu kính trọng, phạm sự thánh. Nó càng không phải là một lỗi lầm hay sai trái gì như một linh mục đã cho rằng “chức cha” có nguồn gốc thần học và tín lý. Thật ra, nếu nói chức linh mục có nguồn gốc từ thần học, và được mặc khải từ Thánh Kinh là đúng, chứ nói chức cha mà qua đó, tín hữu gọi các linh mục là cha có nguồn mạch Thánh Kinh và tín lý thì đó là điều suy diễn quá xa, nếu không dám nói là không hợp lý.

Đối với một số tín hữu, nhất là giới muốn sửa đổi và năng nổ trong giáo hội, thì câu nói sau đây của một giám mục được đón nhận một cách niềm nở và phấn khởi: “Mai đây các thầy sẽ chịu một chức gọi là chức mất dậy. Vì sau khi đã là linh mục rồi, thì thường là không muốn nghe ai nữa, và như thế, sẽ trở thành mất dậy”. Câu nói bất hủ này người thì bảo là của Giám Mục Nguyễn Huy Mai, người thì cho là của Giám Mục Nguyễn Khắc Ngữ. Nhưng dù là của ai đi nữa, thì đây cũng là một câu nói để đời “danh bất hư truyền”.

Tiếc thay, câu nói trên cho đến nay vẫn còn đúng, ít nhất là qua lối xưng hô và phong cách sống của nhiều người trong thành phần tu hành, mà dù một số tín hữu thiện chí có muốn đóng góp phần tích cực của mình vào việc xây dựng và sửa đổi Giáo Hội, vẫn bị cái thành trì kiên cố kia ngăn chặn lại. Nhưng dù có vững chắc và được đề phòng cẩn mật như bức tường Bá Linh ngăn chia nước Đức sau Đại Thế Chiến II, thì sớm muộn với những đóng góp tích cực và cùng với sự đáp ứng nhiệt tâm của hàng giáo phẩm, giáo sĩ, tu sĩ, và giáo dân, bức từng cha/con ngăn cách kia rồi cũng có ngày sụp đổ. Điều cần thiết là chúng ta phải mở rộng lòng mình cho Chúa Thánh Thần làm việc bằng thái độ lắng nghe và hợp tác.

VĂN HOÁ VÀ TƯƠNG QUAN GIỮA GIÁO SĨ VÀ GIÁO DÂN

Phong Trần


Một sáng sớm mùa đông Canada, tuyết vẫn còn phủ trắng, cao đến mắt cá chân trên các lối đi. Bà Catherine, bà bếp cha sở, bước chầm chậm và cẩn thận quay về nhà xứ sau thánh lễ ban sáng. Vừa đặt chân trên bậc thềm nhà xứ, thấy tôi đang quét tuyết bà vui vẻ chào tôi và bảo:

“Peter! Mang cây chổi quét tuyết tới đây.” Tôi tươi cười tiến tới gần bà với cây chổi quét tuyết đu đưa trên tay, chưa đoán ra bà muốn nhờ tôi chuyện gì. Bà Catherine tự nhiên kéo cái váy đầm cao lên một chút và chìa đôi giày bám đầy tuyết thản nhiên bảo tôi: “Lấy chổi phủi dùm tuyết bám giày, để tôi vào không làm dơ thảm nhà xứ!”


VĂN HÓA TÂY

Đọc bài “Tâm Sự Một Linh Mục” của linh mục Peter Trần Thế Tuyên, Dấn Thân số 2, tháng 3 năm 2003, tôi rất thích thú vì những cảm nghĩ chân thành và phản ứng “rất người,” nếu không muốn nói là rất “”Việt Nam’ của cha, khi “bị” một giáo dân da trắng gọi mình bằng tên “Peter” trống rỗng, thay vì cung kính gọi bằng “Father Peter,” “Father Tuyên,” hay “Father Tran.” Chẳng những thế, bà đầm già này còn “cả gan” dám sai cha “lấy chổi phủi giùm tuyết bám giày ” của bà!

”Gọi một linh mục bằng tên, thiếu lòng đạo đức rõ ràng. Bảo một linh mục phủi tuyết bám giày, thiếu lòng kính trọng chức thánh không thể chối cãi.”

Cha “hung hăng đứng lên, định đi tìm bà Catherine và Đức Ông Robert để làm lớn chuyện, làm cho ra lẽ.” Cha tức giận, vung mạnh tay... khiến cây thánh giá trên bàn làm việc rơi xuống sàn nhà. “Chúa nằm úp mặt trên thảm, một cánh tay gãy lìa thân... Cánh tay còn lại tòn ten nhờ đinh đóng chặt .” Thật thảm thương! Hình ảnh nầy đập vào mắt, xoáy vào tim khiến cha hồi tâm, tỉnh thức và nhớ lại thiên chức linh mục của mình, một thiên chức để phục vụ tha nhân mà dường như cha đã quên đi và chỉ còn nhớ cái tước vị “cha!”

”Chúa Ki-tô, linh mục thượng phẩm, đang dang tay hiến tế chính mình trên thánh giá. Tôi, một linh mục, một Chúa Ki-tô khác, tôi dang tay dâng lễ hằng ngày trên bàn thờ. Nhiều khi tôi dang tay nhưng không dâng hiến, không ban phát, không cho đi nhưng đòi hỏi: đòi được kính trọng đặc biệt, đòi được gọi bằng ‘cha’ cho thỏa lòng. Tôi làm linh mục, một Chúa Ki-tô khác, nhưng đôi khi tôi thật khác Đức Ki-tô. Chúa Ki-tô đến để phục vụ, còn tôi, tôi sôi máu tức giận khi phải phục vụ.”

Bà Catherine đã thực sự giúp cha Tuyên trở về căn tính đích thực của thiên chức linh mục, phục vụ người thay vì để người phục vụ: “Suốt năm tháng qua từ ngày chịu chức, tôi đã ‘làm cha.’ Hôm nay tôi mới thực sự ‘làm linh mục.’ ”

Linh mục Tuyên làm phó xứ cho Đức Ông Robert ở một xứ đạo ở Canada, và bà Catherine là người chăm lo việc nấu ăn ở nhà xứ.


VĂN HÓA TA

Tôi cảm phục những dòng tâm sự chân tình của cha Tuyên. Tôi cũng tin Giáo Hội Chúa không thiếu vắng những linh mục, tu sĩ chọn con đường hy sinh tận hiến, phục vụ tha nhân làm lý tưởng sống đời mình, từ bỏ tất cả để theo Người.

Thế nhưng, vẫn còn rất nhiều điều phải nói lên... Không phải linh mục Việt Nam nào cũng được “may mắn” như cha Tuyên, cũng có “duyên cơ” gặp bà đầm Catherine, rồi “giác ngộ” trở về với vai trò thực sự của mình. Dù không chút nghi ngờ gì về sự tốt lành của linh mục, tôi tự hỏi nếu không phải là bà đầm Catherine mà là một phụ nữ Việt Nam trong trường hợp trên, hoặc đang trông coi một cộng đoàn, giáo xứ Việt Nam, cha Tuyên hay một linh mục Việt Nam nào khác sẽ phản ứng ra sao? Vui vẻ hay ngại ngùng làm theo lời yêu cầu của bà bếp? Quát mắng, đuổi đi? Cố dằn cơn nóng giận rồi tìm cách cho bà bếp nghỉ việc sau?... Có phụ nữ Việt Nam nào dám “thản nhiên” hành động như bà Catherine không?

Điều không ai có thể chối cãi văn hóa Việt Nam là nền văn hóa trọng hệ cấp, thứ bực, chức tước, quyền hành... Và chính điều này đã ăn sâu vào não trạng, tâm thức của mỗi người Việt Nam thuộc mọi thành phần xã hội, kẻ trên cũng như người dưới, trong đạo cũng như ngoài đời.

Nhiều cái gọi là “văn hóa” thật ra chỉ là những lề luật, khuôn phép, nguyên tắc, cung cách cư xử, phong tục, tập quán... do thành phần có quyền, có chức, có thế đặt ra để làm lợi, củng cố uy thế, ảnh hưởng của mình. Người dân lành thấp cổ, bé miệng không còn cách nào hơn là vâng phục, tuân giữ, hết thế hệ này sang thế hệ khác, như một thói quen, không suy nghĩ đúng sai. Người được lợi trong nếp sống văn hóa đó thì luôn hô hào, cổ súy bảo tồn, phát huy, vừa hưởng lợi vừa được tiếng là biết gìn giữ di sản tổ tiên, truyền thống văn hóa của dân tộc!

Nhiều khi chỉ vì sự cầm buộc vô lý của lề luật mà hết thế hệ này đến thế hệ khác, phải noi theo để không bị dư luận người đời lên án là “lỗi đạo nghĩa,” “trái luân thường.”

Xưa kia, dưới chế độ phong kiến, chính những người cầm quyền cai trị – vua chúa, quan lại – đã dùng quyền hành tuyệt đối của mình để tạo nên những luật lệ quái đản như cấm dân chúng không được sử dụng những chữ trùng với tên họ của hoàng tộc; một số kiểu y phục và màu sắc chỉ dành riêng cho vua, quan lại nhất phẩm, nhị phẩm... của triều đình. Nhiều sĩ tử đã phạm trường quy – phạm húy – và do đó bị đánh hỏng vì đã vô ý dùng những chữ cấm kỵ trong bài viết. Người biết nhẫn nhục, tin nơi “thiên mệnh” thì buồn đau cho số phần không may và lo chuẩn bị cho khóa thi sau, nhưng không phải năm nào cũng có. Người bộc trực sanh bất mãn, rồi chọn con đường “làm giặc” chống lại triều đình. Phải chờ khi chế độ vua quan phong kiến cáo chung và lối thi cử không chuộng từ chương của Tây Phương được du nhập vào Việt Nam, cái nét văn hóa hàng ngàn năm đó mới được bãi bỏ.

Có văn hóa của một đoàn thể, một tổ chức. nhưng cũng có văn hóa của một quốc gia. Việc xưng “con” với linh mục là thói quen lễ giáo của người giáo dân Việt Nam. Nhưng người Việt Nam cũng có tập tục tôn kính người tuổi tác, nhất là những người cỡ tuổi cha mẹ, ông bà mình: kính lão đắc thọ! Nghe một cụ già xưng “con” với một linh mục vừa chịu chức, tuổi đáng con cháu mình, thú thật tôi thấy khó chịu. Có linh mục lúc đầu cũng cảm thấy ngại ngùng với cách xưng hô “hạ mình” của giáo dân, nhưng rồi với sự đổi thay của thời gian năm tháng và của cả chính mình, cho đó là điều cần thiết, không thể và không nên thay đổi để...khuyến khích ơn gọi làm linh mục!

Trong trang hỏi đáp để sống đạo, VietCatholic ngày 10/12/2002, để trả lời câu hỏi “có nên gọi linh mục là cha và xưng tôi không”, nhất là đối với các linh mục chỉ “đáng tuổi con cái, cháu chắt mình,” linh mục phụ trách viết: “... trong một hoàn cảnh nào đó và nếu cảm thấy ngượng vì một lý do riêng tư nào đó, thì ông cũng có thể dùng các ‘từ’ khác, miễn là diễn tả được sự thân thiện liên hệ giữa ông và linh mục. Nhưng cũng nên nhắc rằng, người ta có thể sẽ đánh giá trị một người theo cách ăn, cách nói, cách đối thoại của người ấy.” Theo mạch văn, câu trả lời phải được hiểu là “không nên”, vì... người ta, theo truyền thống văn hóa (!), sẽ đánh giá ông thấp nếu ông không chịu xưng “con” mà xưng “tôi” với cha hay linh mục. Đó là văn hóa của giáo hội Việt Nam trước nay, không ít người giữ chức thánh vẫn muốn bảo tồn cho khỏi mất gốc, và người ta gọi đó là “sống đạo theo cung cách Việt Nam.”

Mười hai năm trước, trên đường đi Chicago dự lễ phong chức linh mục một người quen, tôi và nhà tôi ghé thăm chủng viện Ngôi Lời ở Iowa. Lúc đó chủng sinh Việt Nam ở chủng viện này đã chiếm gần nửa sĩ số ở năm thứ nhất; bây giờ đông hơn, khoảng hai phần ba. Hôm ấy là ngày cuối tuần và cuối niên học, thi cử đã xong. Nhiều gia đình Việt Nam có con đang tu học hoặc ở các vùng phụ cận đến viếng trường. Tới giờ cơm chiều, chúng tôi ngồi ăn chung với một chủng sinh Việt Nam khoảng 19, 20 tuổi đang học năm thứ nhất. Thấy ai cũng gọi các chủng sinh Việt Nam là “thầy,” chúng tôi ngại người khác sẽ đánh giá mình qua cách nói, nên bắt chước gọi chủng sinh này là “thầy.” Trong lúc dùng cơm, thầy hỏi “anh chị đến đây chắc là để xem trường cho ‘cháu’ học sang năm?” Chúng tôi chưa kịp trả lời, thầy liền khuyên chúng tôi nên cho “cháu” tu học ở đây vì trường tốt, dòng tu quốc tế có tiếng... Chờ thầy nói xong, tôi mới nói là “cháu nó” đã tốt nghiệp đại học hai năm trước rồi. Dù vậy, thầy vẫn tiếp tục gọi con tôi là “cháu” trong suốt buổi chuyện trò, dù “cháu nó” lớn tuổi hơn thầy. Tối đó, chúng tôi nói đùa với nhau... “anh này chưa làm cha mà đã chơi cha rồi.”

Có nên đặt lại vấn đề gọi các chủng sinh đang tu học là “thầy” không? Danh gọi này có nguồn gốc Kinh Thánh? Đây là cách để “trọng kính” thanh niên chọn con đường tu hành và khuyến khích ơn gọi? Ngay lúc còn đang tu học, tiếng “thầy” có tạo cho chủng sinh một mặc cảm tự tôn, tưởng mình hơn thiên hạ? Điều này có lợi cho con đường tu thân, tu đức?
ẢNH HƯỜNG VĂN HÓA ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC
Trong một đoàn thể, tổ chức, cách xưng hô ảnh hưởng rất nhiều đến sự thông đạt (communication) và do đó, đến sự liên đới, tinh thần cộng tác giữa mọi người, và sự hữu hiệu của tổ chức nói chung. Theo tâm lý, dù hèn mọn đến đâu, không ai ưa thích người có thái độ cha chú, kẻ cả, xem mình chỉ là tay sai, thừa hành. Một nền văn hóa nhào nặn được những con người chấp nhận điều đó thì không còn tính cách nhân bản vì đã biến con người không còn là... con người nữa. Các chế độ độc tài toàn trị trước nay, dù có thừa quyền lực trong tay, với trăm mưu ngàn kế bá đạo, cũng không đạt được mục tiêu mong muốn: đào tạo những con người chỉ biết nhắm mắt vâng phục, luôn luôn nhất trí. (Em Nguyễn Phi Thanh ở Việt Nam hiện nay là một bằng chứng điển hình. Nguyễn Phi Thanh, 17 tuổi, học sinh lớp 11, trong cuộc thi văn dành cho các học sinh giỏi ở Hà Nội tháng 3 năm 2005, đã thẳng thắn bày tỏ cảm tưởng tiêu cực của mình về tác phẩm “Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu mà em được dạy phải khen một cách hồ hỡi, phấn khởi. Em biết rõ và dám nhận hậu quả của hành động nói thật trong một chế độ như CHXHCNVN hiện nay: em tiên đoán sẽ không được điểm nào. Thực tế khá hơn một chút: em được 3/15 điểm với lý do “viết lạc đề!”).

Cách xưng hô theo truyền thống văn hóa Việt Nam, trong các tổ chức đời cũng như đạo, là một cản trở đáng kể cho sự hợp tác giữa người già và người trẻ. Cứ nhìn thành phần và sinh hoạt các hội đoàn ở các giáo xứ Việt Nam ở Hoa Kỳ, các người trẻ, nhất là giới trẻ có học, thường vắng bóng. Không thể có một sự thảo luận, góp ý thật sự đúng nghĩa, một sự hợp tác chân thành giữa một bên là “cha, bác, chú, cô… ” nghĩ mình có quyền, nhiều kinh nghiệm, thành tích (nhưng không còn hợp thời) và một bên là “con, cháu” có học nhưng chưa kinh nghiệm (dưới cái nhìn của các bậc cha chú).

Phần khác, cách xưng gọi CHA-CON đã tạo nên sự ngăn cách giữa hai thành phần dân Chúa, người có chức thánh và giáo dân, trong vấn đề thông đạt. Cách xưng gọi này ít nhiều đã tạo nên hai loại mặc cảm trái ngược. Người được gọi là CHA thường cảm thấy mình vượt trội hơn giáo dân về hiểu biết, không những về thần học, tín lý mà còn ở mọi lãnh vực khác, lại có quyền cầm buộc nên nảy sinh mặc cảm tự tôn , tự cho mình quyền ra lịnh và được tuân phục. Người xưng CON tự nhận mình ở vị thế thấp kém, vật mọn phàm hèn, ít hiểu biết, sẵn sàng vâng phục, thụ động chờ sai bảo thay vì có sáng kiến đóng góp, từ đó tạo cho mình mặc cảm tự ti. Thêm nữa, cái tư tưởng truyền thống (văn hóa!) “áo mặc không qua khỏi đầu” đã giúp cơ sở cho hai loại mặc cảm này phát triển, khiến cho nhiều người mang giữ chức thánh nghĩ mình không bao giờ sai lầm trong bất cứ vấn đề gì, đạo hay đời.
Cả CHA và CON, ít người muốn/dám nghĩ đến câu “con hơn cha là nhà có phúc,” hoặc nếu có thì cũng đổi khác đi, “con hơn cha là nhà vô phúc”. Chính cung cách xưng gọi này là nguyên do của cơ chế quyền hành xin-cho trong liên hệ giữa giáo sĩ và giáo dân, biến người từ vị trí phục vụ trở thành người được phục vụ, có quyền ban phát đặc ân (bí tích), biến trách nhiệm thành ơn huệ, làm cản trở cho sự hiệp nhất và yêu thương đích thật giữa hai thành phần dân Chúa. Đây là nét đặc thù của văn hóa Việt Nam. Các dân tộc khác tuy cũng gọi linh mục là ‘cha’ (Père, Father, Padre...) nhưng việc xưng gọi giữa linh mục và giáo dân không tạo nên tương quan mặc cảm về quyền hành như từ CHA-CON trong ngôn ngữ Việt Nam.

Do đó, ở các giáo xứ, cộng đoàn Việt Nam, chủ chiên vẫn canh cánh bên mình phong cách lãnh đạo, chăn dắt từ bên VN, thời còn bị đô hộ, thích chọn những người làm việc giáo xứ theo tiêu chuẩn “con chiên ngoan ngoãn,” bảo đâu làm đó, không bao giờ dám có ý trái với chủ chiên, nói khác, chọn “tay sai”, không chọn người cộng tác. Cha đã nói là phải đúng, bất cứ vấn đề gì! Một linh mục Việt Nam mới được bổ nhiệm về làm chánh xứ một họ đạo ở Hoa Kỳ. Vài giáo dân Việt Nam đến gặp linh mục đề nghị, góp ý về sinh hoạt của giáo xứ, cộng đoàn được linh mục dạy dỗ: “Các anh đi làm. Ở sở các anh làm theo ý của ông boss hay ông boss làm theo ý các anh?” Quả đúng là cung cách “áo mặc không qua khỏi đầu!” Câu nói này được các “con chiên ngoan ngoãn” làm việc với linh mục xem là khuôn vàng thước ngọc cho thuật lãnh đạo. Có người còn hãnh diện nói: “Tôi ngu dốt. Cha sai bảo gì tôi làm nấy.” Người lãnh đạo một tổ chức chỉ muốn qui tụ quanh mình những “yes–men” để làm tay sai, để mình được xem là “đỉnh cao nhất của trí tuệ” thì hậu quả ra sao ai cũng có thể đoán được.


NGUYÊN DO TỪ ĐÂU: GIÁO SĨ HAY GIÁO DÂN?

Khi nói đến văn hóa thì phải nói đến mọi thành phần mà văn hóa đó ảnh hưởng đến. Những điều không xứng hợp, lỗi thời xảy ra trong cộng đoàn, giáo xứ Việt Nam không phải chỉ do những người trên trước mà cũng do cấp dưới tạo ra, không phải chỉ do chủ chiên mà còn do các con chiên. Chính cung cách sống đạo của giáo dân Việt Nam đã tạo “môi trường thuận lợi” cho những hành động lạm quyền, bất xứng sanh sôi, nẩy nở. Chính giáo dân đã làm cho các linh mục quên đi thiên chức linh mục của mình là phục vụ, và chỉ còn nhớ tước vị “làm cha” để được phục vụ. Nhiều người có nhận xét khi còn là chủng sinh, các “thầy” rất dễ thương, gặp người lớn tuổi hơn đều gọi “bác,” “chú” hay “cô” và xưng “con,” xưng “cháu,” xưng “em” rất ngọt. Nhưng sau một thời gian (ngắn) làm cha rồi, thì thái độ và cung cách thay đổi cho thích hợp với văn hóa Việt Nam ta!

Các linh mục trẻ được huấn luyện ở Hoa Kỳ liệu có đi lại con đường của nhiều linh mục đàn anh tu học ở Việt Nam trước đây không?

Tôi biết vài trường hợp linh mục Việt Nam được huấn luyện ở Hoa Kỳ, chịu chức lúc tuổi chưa 40, khi được bài sai đi coi xứ đạo Mỹ có đông giáo dân Việt Nam, hành sử không khác gì nhiều linh mục lớn tuổi tu học ở Việt Nam trước đây. Đường lối lãnh đạo của linh mục đối với cộng đồng giáo dân Mỹ rất khác với cách linh mục “chăm sóc” cộng đoàn giáo dân Việt, như nhận xét của Người Tín Hữu trong bài “Người Giáo Dân Trong Cộng Đồng Việt Nam Công Giáo Hải Ngoại,” (Hiệp Nhất, số 85, tháng 1 năm 2000): “Một lớp giáo sĩ khi làm việc cho người Âu, người Mỹ thì sống như người ta, theo nhịp canh tân của Cộng Đồng, mà khi trở lại làm việc với người giáo dân đồng hương của mình thì xem mình là ông quan phong kiến, rồi tổ chức cộng đoàn y như thời phong kiến.”

Cái truyền thống văn hóa của người Việt Nam ta, nếu có “cơ hội” thuận lợi là xuất hiện, giáo dân cũng như giáo sĩ, người già cũng như người trẻ. Hơn nữa, điều này cũng tùy thuộc nơi cung cách sống đạo của giáo dân. Nếu giáo dân vẫn cứ tiếp tục sống đạo theo cung cách truyền thống Việt Nam – đi lễ, xin lễ, đọc kinh, đóng tiền, chuộng hình thức, chỉ trong khuôn viên nhà thờ, cha bảo sao cũng nghe, nói gì cũng đúng, giảng/hiểu lời Chúa cách nào cũng được, nói khác, sống đạo theo công thức “đóng tiền, cầu nguyện, và vâng lời”.., và tin rằng nhờ đó sẽ được vào Nước Trời -- thì các linh mục chánh xứ/quản nhiệm cũng khó mà thay đổi (tội gì thay đổi!).

Đâu là nguyên do của tình trạng này? Văn hóa? Giáo dân hay những người có trách nhiệm còn muốn duy trì đường lối lãnh đạo không hợp thời đó?

Giáo dân Việt Nam luôn luôn “bị chê” là không rành thần học, tín lý, giáo luật... Nhận xét này rất đúng trong hầu hết các trường hợp. Nhưng câu hỏi được đặt ra là những người có trách nhiệm lãnh đạo giáo hội Việt Nam, các linh mục chánh xứ, các “bậc thầy thật sự” về những lãnh vực này, tức những người có nhiệm vụ tông huấn, đã làm gì để nâng cao sự hiểu biết của giáo dân, đặc biệt là trong hơn 40 năm qua sau Công Đồng Vaticano II? Câu trả lời thật dễ dàng: một con số không to tướng! Những người có trách nhiệm chỉ nhắm việc phát huy lòng mộ đạo, sùng đạo (một cách rất hình thức) nơi giáo dân mà không quan tâm đến việc học đạo (huấn luyện) và hành đạo.

Giáo lý căn bản của đạo Chúa “mến Chúa yêu người,” thực tế đã trở thành “kinh sợ và thờ phượng Chúa” qua hành động xây cất, sửa sang nhà thờ. Sau mỗi buổi lễ ở nhà thờ, bao nhiêu lời rao giảng của linh mục có thể ứng dụng được vào cuộc sống thực tế hàng ngày? Lý thuyết và lý thuyết! Chính người giảng đạo cũng chưa chắc đã thật sự sống những điều mình rao giảng! Một linh mục chánh xứ sống đạo, “truyền giáo” bằng công tác xây cất, sửa sang đền thờ thật lộng lẫy, tiện nghi “để Chúa có nơi thờ phượng xứng đáng”... có bao giờ hiểu rõ và giảng đúng ý nghĩa lời Chúa, “con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ gối đầu?” (Lc 9:58). Một câu nói vẫn thường được các giám mục nhắc đi nhắc lại để nhắn nhủ các tân linh mục trong buổi lễ truyền chức: tin những gì mình đọc (Kinh Thánh), rao giảng những gì mình tin, và thực hành những gì mình rao giảng. Đó là ba điều căn bản không thể thiếu vắng trong cuộc đời tu trì của một linh mục, nhất là tin và thực hành.

Ngày nay, 40 năm sau Công Đồng Vaticano II, những giáo dân Việt Nam “không rành, hiểu sai tín lý, thần học, giáo luật” đó được giao cho trách nhiệm loan báo Tin Mừng, phụ trách giảng dạy các lớp tân tòng, thêm sức... Điều mâu thuẫn và hết sức nguy hiểm là ở chỗ đó. Nhiều giáo sĩ chủ trương người giữ chức thánh chỉ có nhiệm vụ tông huấn, rao giảng trong nhà thờ, còn giáo dân có nhiệm vụ thể hiện Tin Mừng bằng hành động men muối của mình nhờ sống len loi trong thế giới trần ai! Người rao giảng lời Chúa thì không thực hành, và người thực hành thì không thông hiểu! Một sư phân công rất… thánh thiện! Không hiểu rõ đạo, không thông suốt lời dạy của Đức Kitô, làm sao thể hiện bằng hành động đúng được? Những việc làm dị đoan, những hành động buôn thần bán thánh có phải là đạo Chúa không? Nếu giáo dân sống đức tin qua những “hành động men muối” này thì tội nghiệp cho đạo Chúa quá! Chính đây mới thật sự là những trường hợp “lạc đạo,” “lạc giáo” đáng được “lộng kiếng!”

Trước nay, người giáo dân Việt Nam chỉ học đạo để chuẩn bị nhận các phép bí tích như rửa tội, thêm sức, hôn phối, và sau đó hoàn toàn cậy trông nơi bài giảng của linh mục trong các lễ Chúa Nhật. Bởi đó, cho đến bây giờ, đối với nhiều giáo dân, một lời nói, một bài viết, ngay cả những vấn đề không thuộc về đạo chỉ có giá trị khi người nói, người viết là người có chức thánh. “Linh mục là người tinh thông mọi sự vì các ngài học trường lý đoán, La-tinh, và có mang trong người bảy chức thánh,” nhiều giáo dân đã được dạy và vẫn còn tin như vậy. Sự kiện này đưa đến tình trạng “độc quyền chân lý.” Nếu chúng ta cứ bằng lòng với các “bài giảng” như trước nay, không dám nói thật, nêu lên những sai quấy vì sợ làm nản lòng người đang tu hoặc có ý định đi tu, thì chẳng những chúng ta không giúp gì mà còn khiến cho hoạt động giáo hội bị trì trệ, Tin Mừng không thể đi khắp muôn phương như lời Đức Kitô truyền dạy các tông đồ.

Cho nên người giáo dân theo đạo Chúa cần học đạo để hiểu biết rõ đạo, phân biệt đức tin và dị đoan, biết rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong giáo hội, giáo xứ, cộng đoàn, cũng như biết rõ vai trò, trách nhiệm, và quyền hạn của người lãnh đạo, đặc biệt là linh mục chánh xứ, để tránh tình trạng xin-cho, ban phát hay tùng phục mù quáng như đàn trừu Panurge. Ngoài quyền hành được giáo luật quy định, nhiều linh mục chánh xứ/quản nhiệm cộng đoàn còn cho mình nhiều thứ quyền tự biên, tự diễn vì nghĩ rằng giáo dân không thông hiểu gì cả. Loại quyền hành nầy chỉ thật sự có khi chúng ta chấp nhận nó, để nó ảnh hưởng, chi phối và qui hướng cuộc đời chúng ta.

Chúng ta đang sống ở thời đại tin học, cơ hội và phương tiện học hỏi rất phong phú. Việc học đạo không thể chỉ giới hạn trong khuôn viên nhà thờ qua các bài giảng của linh mục chính xứ, phó xứ, mà cần được bổ túc qua báo chí, sách vỡ, tài liệu nghiên cứu, bài viết trên mạng... Nếu giáo dân cố gắng học hỏi để hiểu rõ, hiểu đúng đạo Chúa, và thể hiện đức tin trưởng thành, giới giáo sĩ, dù muốn dù không, cũng phải thay đổi thái độ và đường lối hướng dẫn, lãnh đạo. Sư gia tăng hiểu biết của giáo dân về đạo cũng như đời còn giúp nâng cao tầm hiểu biết của các giáo sĩ trong lãnh vực chuyên môn riêng như tông huấn và quản lý. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, đó là điều giáo dân có thể làm được để cải tiến tương quan giữa giáo sĩ và giáo dân. Lãnh đạo bằng cách “bịt mắt dắt đi” không thể nào xảy ra nếu giáo dân hiểu đạo đúng và biết rõ vị trí đích thực của mình trong giáo hội.

HY VỌNG TƯƠNG LAI?

Văn hóa không phải là cái gì từ trời xuống, cố định, bất biến, không thể thay đổi được. Văn hóa là con người, do con người đặt để, tạo ra và phải thay đổi theo trình độ hiểu biết của những thành phần liên hệ và xã hội nói chung.

Có thể thay đổi văn hóa của một tổ chức không? Và điều kiện nào phải có để thành công?

Muốn thay đổi, điều kiện trước tiên là phải thấy cái hiện trạng đang xảy ra không phải là điều tốt, đã lỗi thời, không còn thích hợp với đà tiến của xã hội nên cần phải chấn chỉnh, phải canh tân, phải sửa đổi.

Điều này không phải dễ, nhất là đối với những thành phần trong guồng máy đang thụ hưởng nhiều bổng lộc, đặc quyền, đặc lợi. Chẳng những thấy không cần phải thay đổi tổ chức từ nhân sự đến phương cách lãnh đạo, điều hành, những người này còn tìm đủ mọi cách, viện dẫn mọi lý do để chống lại những đề nghị cải tổ như văn hóa, truyền thống, nếp sống cổ truyền, di sản tổ tiên, trình độ hiểu biết của quần chúng, nhân dân, thành viên, và nếu là tổ chức tôn giáo thì thêm yếu tố thần quyền nữa. Điều này đã và đang xảy ra ở các chế độ độc tài toàn trị, phong kiến vua quan. Người ngoài guồng máy, nhất là các nạn nhân, những thành phần bị ảnh hưởng tiêu cực có thể nhìn thấy dễ dàng mà người bên trong bị bã lợi danh che mắt không nhận ra.

Cho nên, muốn thay đổi hiện trạng của guồng máy, tổ chức cần có người từ bên trong nhìn thấy, và can đảm dám hy sinh quyền lợi cá nhân, phe nhóm.


Trong bất cứ tổ chức nào, sự thay đổi muốn đạt kết quả tốt đẹp phải bắt đầu từ người trên trước, tức thành phần lãnh đạo thượng tầng. Nếu không, sự thay đổi chỉ là một hình thức trang sức làm đẹp tạm thời, và sau một thời gian ngắn, đâu cũng vào đó.

Thiếu một trong hai điều kiện trên thì sự thay đổi không thể đem lại kết quả mong muốn.

Trong tổ chức giáo hội, sự thay đổi phải do các đấng bậc lãnh đạo ý thức nhận ra, khởi xướng và hành động. Giáo dân gợi ý, yêu cầu, đề nghị khó tránh khỏi bị kết án là chống cha, chống Giáo Hội Chúa, giáo gian, những cành cây khô phải chặt bỏ và quăng vào lửa đốt cháy đi. Sự kiện này đã/đang xảy ra ở nhiều cộng đoàn, giáo xứ Việt Nam, và đã xảy ra với các diễn đàn, tiếng nói giáo dân Việt Nam hiện nay ở Hoa Kỳ. Có lẽ cần phải nghĩ lại vấn đề “sống đạo theo cung cách Việt Nam” để xét coi cái nào nên giữ, cái nào phải bỏ đi vì không phải mọi cách đều hay, đều tốt cả. Xã hội thay đổi, con người thay đổi, sự hiểu biết của giáo dân thay đổi; cái hay, cái tốt thời xưa chưa hẳn thích hợp cho ngày nay.

Như đã nói trên, đối với một tổ chức như giáo hội công giáo, đặc biệt là giáo hội địa phương Việt Nam, thay đổi là điều thật khó vì, dù muốn dù không cũng phải nhận rằng, cơ chế tổ chức quyền hành và lãnh đạo hiện nay mang lại ít nhiều đặc quyền, đặc lợi cho những người lãnh đạo ở mọi cấp. Cho nên, nhiều người không thích, không muốn thay đổi cũng vì lý do “sợ mất” những quyền lợi đó. Nhưng như Đức Kitô đã bảo với các môn đệ gần 2000 năm trước, “muốn theo Thầy, các con phải từ bỏ tất cả. ”Những môn đệ chọn con đường theo Đức Kitô đã được dạy cho biết trước điều này và suy nghĩ nhiều năm trước khi quyết định theo Người. Do đó, không thể có sự lầm tưởng hay bất ngờ. Nếu đã thực sự từ bỏ tất cả, thì không còn gì để sợ mất. Còn sợ mất là chưa từ bỏ hết, chỉ từ bỏ những cái không quan trọng, có cũng được, mà không có cũng chẳng sao, nghĩa là chưa thật sự theo Đức Kitô hết cả tâm hồn, hết cả trí khôn, chỉ muốn mượn danh Người để mưu lợi ở trần thế, mượn đạo tạo đời.

Rất nhiều người trong thành phần giáo sĩ không muốn thay đổi, dùng những tiện nghi vật chất đang thụ hưởng để mời gọi người đi tu “làm cha.” Đây là một thực tế, và có thể chính vì sự hấp dẫn này mà ơn gọi ở các quốc gia nghèo tràn đầy, dư thừa. Có giáo sĩ cũng thấy cần thay đổi cho tốt hơn, nhưng ngần ngại so đo tính toán vì cái tâm lý “sợ mất”, nên khôn ngoan mơ ước sự thay đổi sẽ đến từ các thế hệ giáo sĩ sau mình, vài chục năm nữa, để mình không bị ảnh hưởng, thiệt thòi.

Một trở ngại khác rất quan trọng cho sự thay đổi trong giáo hội công giáo Việt Nam là thành phần giáo dân trước nay được dạy dỗ “sống đạo theo cung cách Việt Nam” để được vào Nước Trời. Thành phần giáo dân này là đồng minh lớn cho những giáo sĩ không muốn có sự thay đổi trong giáo hội, sẵn sàng tiếp tay cho những chiến dịch rỉ tai, chụp mũ 4C, CGH... những giáo dân nào “dám” kêu gọi, đề nghị cải tổ những điều không còn thích hợp.

Vì vậy, vai trò của các diễn đàn, tiếng nói giáo dân như tạp chí, mạng lưới, chương trình phát thanh trở nên rất cần thiết và quan trọng để giáo dân học hỏi, chia sẻ, trao đổi ý kiến nhằm giúp nhau nâng cao sự hiểu biết về đạo cũng như về đời.

Điều rất khích lệ là trong những năm qua, nhiều giáo dân trong nước cũng như ở hải ngoại đã có những bài viết thật sâu sắc, thể hiện những ưu tư về hiện tình, đướng hướng lãnh đạo giáo hội quê nhà, phương cách rao giảng và sống Tin Mừng của một số giáo sĩ trong nước và hải ngoại, cũng như những vấn đề của giáo hội hoàn vũ nói chung. Những tập san Dấn Thân, Diễn Đàn Giáo Dân, mạng lưới Tiếng Nói Giáo Dân, chương trình phát thanh Lương Tâm Công Giáo... đã góp phần không nhỏ dù bị đánh phá, chụp mũ...

“Cảm tạ Chúa, càng ngày càng nhiều anh em giáo dân ý thức được vai trò và sứ mệnh của mình trong Giáo hội và xã hội, và can đảm đứng lên đóng góp cho Giáo hội. Giáo hội không là đặc quyền đặc lợi của giới giáo sĩ, nhưng Giáo hội là căn nhà chung để mọi người cùng đến gặp gỡ và cùng chia nhau ra đi vào phục vụ trần thế. Chúng ta có con đường phục vụ của chúng ta, tuy âm thầm, nhỏ bé và bị át giọng, nhưng không thể thiếu trong giai đoạn hiện nay trong Giáo hội. Điều quan trọng là chúng ta phải kết hiệp với Chúa để Ngài hướng dẫn, phù trợ chúng ta trong công việc phục vụ này.” (trích “Tâm Tình Với Bạn,” Hoàng Quý).

Về phía giáo sĩ Việt Nam, tôi thấy có vài dấu hiệu đáng mừng nơi một ít linh mục trẻ tu học ở nước ngoài, nhất là các linh mục tu dòng ngoại quốc. Các linh mục này đã tạo dựng được sự quý mến của giáo dân bằng đời sống phục vụ. Một linh mục Việt Nam thuộc dòng DC Hoa Kỳ được Phạm Quốc Thanh nói đến trong bài “Ông Cha Xứ Của Tôi,” TiengNoiGiaoDan.Net. Những lời tâm sự chân thành của cha Tuyên cũng là dấu chỉ thật khích lệ về sự thay đổi từ giới giáo sĩ trong cách thái suy nghĩ và phương thế hướng dẫn giáo dân trong đời sống đạo. Cầu xin Chúa cho thành phần các giáo sĩ sống đời phục vụ này mỗi ngày mỗi nhiều thêm.



***


Ở bất cứ đâu, người tín hữu giáo dân ngày nay cũng có học, và hiểu biết về đạo, đời nhiều hơn các thế hệ trước. Điều tự nhiên không thể tránh khỏi là giáo dân ngày nay có nhiều suy tư về đường lối lãnh đạo của giáo hội, có những vấn nạn về đức tin, giáo lý... Quan điểm, giải thích của giáo hội, do đó, phải chánh đáng, hợp lý, và vững chắc để thuyết phục. Giáo hội cần tạo điều kiện thuận lợi và yểm trợ cho các diễn đàn thảo luận, học hỏi. Thật là ngây thơ và lầm lạc nếu tin rằng cứ tránh né, không bàn cãi, thảo luận thì vấn đề tự nó sẽ biến đi với thời gian. Có thể trong tạm thời nó ẩn mình đâu đó, nhưng chắc chắn nó sẽ tái xuất hiện với sức đối kháng mãnh liệt hơn trước. Con đường đưa tới sự thật chính là sự lắng nghe, đối thoại cởi mở để tìm hiểu, trao đổi ý kiến. Không lắng nghe những ý kiến trái với mình không chứng tỏ được mình hoàn toàn đúng mà thường là thể hiện tâm trạng bất an, sợ sệt, chưa kể đi ngược lại trào lưu dân chủ hiện nay của xã hội con người.

Thật là nghịch lý khi, một mặt thì tranh đấu, hô hào phương thức sinh hoạt dân chủ cho các định chế, tổ chức xã hội, và mặt khác thì lãnh đạo, điều hành liên đoàn, cộng đoàn, giáo xứ như các ông quan phong kiến thời xưa, viện lý do “Giáo Hội theo thể chế quân chủ!”

Thật là mâu thuẫn nếu trong cuộc sống hằng ngày, linh mục, một Đức Ki-Tô khác, “đòi được kính trọng đặc biệt, đòi được gọi bằng ‘cha’ mới thỏa lòng” vì... tôi là người giữ chức thánh, tôi không phải là người đời/thường, nhưng khi “có vấn đề,” sa ngã, phạm tội, phạm lỗi, thì viện cớ mình cũng là con người với xác phàm, có những yếu hèn như mọi người khác ở thế gian!

Tôi mong với sự trưởng thành của giáo dân Việt Nam ở trong nước và hải ngoại, giáo hội Việt Nam sẽ thay đổi đường lối lãnh đạo, nhất là ở cộng đoàn, giáo xứ về nhân sự cũng như tài chánh cho xứng hợp với những canh tân, cải tổ của Cộng Đồng Vaticano II, và sự tiến bộ của xã hội con người nói chung.

Tôi ước gì các thành phần dân Chúa Việt Nam – giáo dân, tu sĩ, giáo sĩ và hàng giáo phẩm -- có sự cởi mở, khoan dung và tương kính để Tin Mừng và Ơn Cứu Chuộc của Chúa Yê-su được loan đi, không phải chỉ trong khuôn viên nhà thờ giữa các tín hữu theo đạo Chúa, trong các thánh lễ Mi-sa, nhưng ở khắp muôn nơi bằng cách đem Chúa đến với mọi người.

Hơn bốn mươi năm sau Công Đồng Vaticano II, người giáo dân Việt Nam chỉ dám mong ước mấy điều sơ đẳng và căn bản trên là do đâu? Truyền thống văn hóa, giáo dân hay những người có trách nhiệm chăn dẫn đàn chiên? Cần phải thay đổi? Bắt đầu từ đâu? Giáo sĩ hay giáo dân? Hay cả hai?

II. DANH XƯNG TRONG GIÁO HỘI

Trần Mỹ Duyệt

Trở lại vấn đề danh xưng “cha-con”. Một lối xưng hô như tôi đã đề cập ở bài trước là đã có một bề dầy lịch sử. Nó đã tiềm tàng và ăn sâu vào cốt tủy của người Kitô hữu Việt Nam, và không hẳn là chỉ các Kitô hữu, mà cả thành phần giáo sĩ, tu sĩ. Do đó, nếu hôm nay đề cập đến vấn đề này, là tự nhiên va chạm vào một cách hành xử và lối xưng hô đã thành tập quán. Hành động này ít nhiều không làm vui lòng những ai vốn tự cho mình xứng đáng phải được xưng hô như thế, cũng như không thuận miệng và lề thói suy nghĩ của thành phần tín hữu vốn đã quen miệng xưng hô cha con trước đây.

1. ĐƯỢC GÌ VÀ MẤT GÌ?

Thật ra khi bỏ lối xưng hô cha/con cả hai phía linh mục cũng như tín hữu chẳng mất gì. Linh mục vẫn là linh mục. Tín hữu vẫn là tín hữu. Dù gọi là “cha”, “cụ”, “ông cố” hay “linh mục”, thì tự nó vẫn không làm cho người mang thánh chức ấy mất đi cái đặc tính của bí tích truyền chức. Họ vẫn là “linh mục đời đời theo dòng Menkisede”. Và tín hữu vẫn là tín hữu vĩnh viễn, trừ khi người tín hữu nào đó được Thiên Chúa mời gọi bước vào ơn gọi tu hành, và rồi cũng trở thành linh mục, giám mục, hồng y, hay giáo hoàng.

Tuy nhiên, cái mà cả hai cùng đạt được qua lối xưng hô mới đó là tăng thêm nhận thức giá trị về ơn gọi của mỗi bên. Tạo điều kiện cho những giao tiếp hỗ tương được trưởng thành và có chiều sâu tâm linh. Sau cùng về mặt xã hội, mối giây thân tình và cởi mở ấy còn là một lời mời gọi và thúc đẩy để tiến tới sự hiệp nhất và chinh phục những tâm hồn thiện chí.

a- Nhận thức về giá trị ơn gọi:

Khi linh mục tự nhận mình là linh mục, thì qua nhận thức ấy sẽ làm cho vị này hiểu và thâm tín hơn về ơn gọi của mình. Mình được mời gọi để trở thành một mục tử tinh thần, và để thừa hành các bí tích. Mình được thụ phong “linh mục”, chứ không được thụ phong làm “cha”. Những người được phụ phong làm cha chính thức, là những người được mời gọi sống đời “ơn gọi hôn nhân gia đình”. Thứ sáu là phép truyền chức thánh. Thứ bẩy là phép hôn phối, mà một linh mục còn gọi là phép thánh hôn và thánh chức. Tóm lại, linh mục không được giao phó cho trách nhiệm làm cha theo kiểu thể lý. Sự hiểu biết này không cho phép vị linh mục lầm tưởng, hoặc đôi khi mơ màng đến một hình thức làm cha của một người hay cha của một giáo xứ.

Phần các Kitô hữu khi gọi các linh mục là “linh mục”, và xưng mình là tôi hay chú, bác, cô, dì, hoặc em vẫn không loại bỏ sự kính trọng qua thiên chức. Và như vậy, cũng sẽ làm cho niềm tin và ý thức ơn gọi của họ trưởng thành thêm. Bằng lòng, và hãnh diện về ơn gọi của mình, cũng như kính trọng và yêu mến ơn gọi của những bậc tu trì. Quan niệm sống đời hôn nhân mà mơ ước đời tu trì hay ngược lại, là quan niệm và lối sống thiếu trưởng thành cả về tâm lý và tâm linh. Trong một lần trao đổi tư tưởng về hai lối sống này, Giám Mục Mai Thanh Lương đã nêu lên nhận xét: “Nhiều Kitô hữu không sống nên và hạnh phúc với ơn gọi mình, nhưng lại mơ màng muốn sống và trở thành như những bậc tu hành”. Chúng ta đã thấy phản ảnh câu nói này qua quan niệm và lối sống của nhiều Kitô hữu Việt Nam. Thí dụ, trong nhà có con em ước ao dâng mình trong cánh đồng truyền giáo của Chúa, thì không khuyên bảo hãy luyện tập và sống thánh với ơn gọi của mình; nhưng thay vào đó, thường khuyên bảo: “Thôi con hay cháu hãy cố tu để sau này nên giống, nên má, thà làm con chó nhà Đức Chúa Trời còn hơn làm người thế gian”. Lời khuyên này, rõ ràng đã cho thấy có sự lẫn lộn và mặc cảm, hoặc thiếu ý thức về ơn gọi của mình.

Trong tâm lý học, khi một người mắc bệnh tự ty mặc cảm, thì câu đầu tiên các nhà tâm lý trị liệu muốn bệnh nhân ấy nói là “tôi”. Tôi chứ không phải cháu, con, hay bất cứ từ ngữ nào khác. Vì trước hết, phải làm cho bệnh nhân nhận ra rõ ràng cái tôi của mình. Cái tôi rất thật bao gồm cả ưu và khuyết điểm. Sau đó, mới hướng dẫn bệnh nhân chấp nhận và đối diện với cái tôi ấy. Và đây là bước khó nhất, vì thường những người mặc cảm, thiếu tự tin không đối diện với mình, nhưng thường là muốn sống nhờ vào cái bóng hình ảo tưởng hay ảo giác nào đó. Và vì thế khi thực tế va chạm và thực tế bị tiết lộ, lập tức họ phản ứng tiêu cực và tìm cách tránh né.

Gọi linh mục bằng cha. Linh mục muốn tín hữu gọi mình bằng cha đôi khi cũng rơi vào mặc cảm này. Một đàng muốn đánh bóng và thổi phồng thần tượng để ít là tránh đi cái mặc cảm thua thiệt. Một đàng muốn sống nhờ vào ảo tưởng ấy để phần nào không phải nhìn ra điều mà mình cần phải đối diện. Như vậy, cả cha lẫn con cũng chỉ luẩn quẩn trong cái ảo tưởng và ảo giác về vai trò và chủ đích của mình.

Khi linh mục tự giới thiệu và hãnh diện về ơn gọi và thiên chức của mình. Thí dụ, tôi là linh mục D, chào ông, bà, cô, chú, em, thì cái tâm lý của người nói câu đó sẽ khác hẳn so với câu: “Cha chào con”. Hoặc khi một Kitô hữu xưng hô với vị linh mục: “Chào linh mục chính xứ. Chào linh mục phó xứ. Chào linh mục A” thì tâm lý và lối xưng hô ấy khác hẳn với cung cách xưng hô: “Con xin chào cha”.

b- Giao tiếp trưởng thành:

Trong cung cách và xã giao thường ngày, như vừa trình bày trên, từ cha/con thường chỉ dùng cho những người thân trong gia đình, giữa cha mẹ và con cái. Ít khi từ này được dùng ngoài trừ trong phạm vi tôn giáo cho một người mà người đó không phải là đấng sinh thành ra mình.

Vậy khi linh mục gọi người tín hữu bằng danh xưng bác sĩ, kỹ sư, luật sư, tiến sĩ, giáo sư, hoặc các vai vế xã hội trong cách xưng hô thường ngày như ba, má, anh, chị, em, sẽ tạo nên một lối sống và phong cách kính trọng, hài hòa. Điều này phù hợp với những gì mà các linh mục vẫn thường xuyên khuyên nhủ là kính trên, nhường dưới, tôn ty, trật tự, lễ nghĩa, xã giao. Nhưng khi vị linh mục, nhất là linh mục trẻ mà dùng từ xưng hô cha/con với những người mà nhẽ ra họ là bậc ông bà, cha chú, cô dì, và anh chị mình thì khó tìm được ý nghĩa khiêm nhường và từ tốn để giải thích, mặc dù các vị này có muốn khiêm nhưỡng và từ tốn.

Tâm lý trưởng thành trong cách thức xưng hô như tôi vừa trình bày ở trên, không làm cho vị linh mục mất đi giá trị và địa vị của ơn gọi, ngược lại, càng làm tăng thêm uy tín và giá trị ơn gọi ấy. Người ta sẽ kháo láo với nhau: “Linh mục B khiêm tốn và biết trên biết dưới”. Khác với những nhận xét tiêu cực: “Chỉ đáng tuổi con, cháu mà xưng cha gọi con. Không ra cái giống gì”.

Thật vậy, nếu linh mục sống thật với thánh chức của mình, cộng thêm biết xã giao, và tế nhị thì quả là hiếm quí. Ai dù khó tính đến đâu cũng không thể nào không nhìn nhận được điều này, vì một xứ đạo mới có một linh mục, thì con số ít ỏi ấy, và vai trò mô phạm ấy hiển nhiên có một giá trị rất cao trong tâm lý xã hội và trong đời sống tâm lý tập thể.

Không biết có nên thêm rằng, vì quá trẻ hoặc thiếu kinh nghiệm xã giao, nên tư cách và cung cách xã giao, hội nhập xã hội của nhiều linh mục đã tạo nên nhiều dị nghị không những nơi phía các tín hữu Công Giáo mà còn cả nơi thành phần ngoài tôn giáo. Cung cách cha chú và lối cư xử trịch thượng, cộng thêm những phán đoán chủ qua dựa vào thế giá của thánh chức đã làm nhiều người khó chịu. Tại những chủng viện ngoại quốc có những lớp tâm lý, nhưng có lẽ tại Việt Nam những khóa học này xem ra như không có, hoặc chưa được đào tạo hẳn hoi. Thí dụ tâm lý quần chúng để coi xem khi một người lãnh vai trò hướng dẫn và thủ lãnh phải có thái độ nào để thu hút và đạt được cảm tình của quần chúng. Đầu tóc, áo quần, cung cách và lời nói.

Không những từ cha/con thường tạo nên những hiểu lầm và ngộ nhận giữa thành phần linh mục và tín hữu giáo dân, mà ngay cả giữa các linh mục, hàng giáo phẩm cách xưng hô này cũng tạo thành khó hiểu, và như chỉ là một thói quen mà người nói và người nghe không mấy ý thức. Thí dụ, hồng y này gọi hồng y khác là hồng y và trở lại xưng con. Một giám mục này gọi một giám mục khác là giám mục và trở lại xưng con. Một linh mục này gọi linh mục khác là cha và trở lại xưng con. Tại sao không là “tôi”. Tại sao không là “em”. Vì Chúa đã gọi các Tông Đồ là bạn hữu: “Thầy không gọi anh em là tôi tớ, mà là bạn hữu”. (Gioan 15:15). Tất cả các con đều là anh em, vậy nếu xưng hô khác thì rõ ràng chỉ là một lối xưng hô quen miệng đã trở thành tập quán.

c- Thu hút và truyền giáo:
Nếu dùng từ cha/con trong lối xưng hô giữa linh mục, giám mục đã làm ngăn trở không chỉ đối với thành phần Kitô hữu mà còn ảnh hưởng đến những giao tiếp bên ngoài; như vậy, liệu nó có ảnh hưởng gì đến việc truyền giáo, và thú hút những người ngoài Công Giáo hay không? Thời còn trẻ, tôi vẫn thường được nghe một số lương dân quanh vùng gọi mấy linh mục, và giám mục là “Ông Trời của người Công Giáo”. Mới nghe, và mới nhìn vấn đề, ta tưởng rằng như vậy sẽ thu phục và chinh phục được nhiều người theo đạo Chúa. Nhưng đây là một quan niệm sai lầm. Vì tâm lý tự nhiên sẽ cho ta thấy rằng, không phải chức vụ, không phải vì quyền bính, và không phải vì có quyền lực trong tay mà chinh phục hay bắt ép người khác phải suy phục mình, nhưng là lòng khiêm tốn, từ tâm, và thông cảm.

Lịch sử Giáo Hội đã cho thấy ảnh hưởng này trong mối tương quan với các tôn giáo bạn, nhất là anh em Kitô Giáo tách ly. Có lẽ vì nhận ra mình có lỗi, nên Đức Gioan Phaolô II, một Giáo Hoàng cao cả nhất trong chiều dài lịch sự Giáo Hội đã đấm ngực ăn năn, và đã khiêm tốn xin lỗi. Và chúng ta thấy rõ ràng điều này trong cung cách và văn phong của Ngài ngay trong cách xưng hô với mọi người. Ngay từ thời Giáo Hoàng Phaolô VI, Ngài đã không dùng từ “ta”, nhưng là “chúng tôi” trong hầu hết những gì chúng ta đọc được. Và truyền thống đổi mới này đến thời Đức Gioan Phaolô II, đã trở nên rõ ràng: “John Paul Two, I love you” - Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, cha yêu các con”. Đã làm cho hằng triệu bạn trẻ cảm thấy sung sướng, và phấn khởi. Nhưng “cha đã bảo ông ta rồi.” Hoặc “cha bảo sao thì hãy làm đi” của một linh mục trẻ phát biểu trong một buổi họp hội đồng giáo xứ thì không đem lại tiếng reo vui nào trong tâm hồn những người nghe cả. Ngược lại, có thể là những cảm nghĩ tiêu cực.

Đối với đồng đạo, lối xưng hô và cung cách như trên mà đã không chinh phục và hấp dẫn, thử hỏi, đối với những người không cùng tôn giáo làm sao chinh phục. Bởi đó, tâm lý sống và thực hành ấy chỉ luẩn quẩn chung quanh thánh đường, hoặc rộng hơn là quanh sân nhà thờ qua một vài buổi rước kiệu. Một vị linh mục sống nhiều năm lăn lộn với các dân tộc sống ngoài Công Giáo đã phát biểu: “Cho đến nay, phần lớn người tín hữu Công Giáo và Giáo Hội cũng chỉ lo sống đạo, chứ chưa hành đạo”. Đức Gioan Phaolô II đã nhìn ra được quan niệm và lối sống ấy, nhất là thành phần trở lại Tin Lành, và các tôn giáo khác tại Phi Châu, Á Châu hiện nay, nên đã không ngần ngại làm bất cứ điều gì ích lợi cho Giáo Hội và các linh hồn. Một trong những điều ấy là đại kết liên tôn, hòa đồng và đối thoại liên tôn. Nhưng nếu Giáo Hội đã kêu gào, đã khởi động, mà tại mỗi địa phương vẫn cứ sống và hành động một cách máy móc, quan cách, kênh kiệu kiểu cha/con, thử hỏi làm sao chinh phục và hấp dẫn. Làm sao để có khả năng lôi kéo. Người ta sẽ lấy dấu gì mà nhận biết các con là môn đệ thầy?!!

2. AI BẮT ĐẦU TRƯỚC

Tuy chỉ là một lối xưng hô và lối sống theo truyền thống và lâu đời, nhưng nếu sửa đổi và chấp nhận canh tân, dĩ nhiên đòi sự chấp nhận và hy sinh. Vì không có gì bỏ đi, hoặc sửa chữa mà không có sự hy sinh và thời gian.

a- Thầy đã làm gương:
Nhưng có lẽ để sửa đổi lối xưng hô này, hàng giáo phẩm và các linh mục cần làm trước. Gương sáng và việc làm của các vị ảnh hưởng rất nhiều trên các tín hữu. Nếu các ngài nói và cho phép thì mọi sự sẽ dễ dàng, vì vốn dĩ tâm lý chung giáo hữu Việt Nam vẫn có lòng kính trọng các “cha”, các “thầy”. Và “cha nói là Chúa nói”. Đến việc chào hỏi mà còn “con xin phép chào cha”, “con không dám xin phép lạy cha”, thì việc xưng tôi, xưng chú, chím, cháu, em với “cha”, và gọi “cha” bằng bác, bằng chú, bằng cậu, hoặc bằng em, hay bằng linh mục, thì không ai dám làm trừ khi được “cho phép”. Bởi đó, sự khởi đầu phải được bắt nguồn từ hàng giáo phẩm đến các linh mục.

Hàng giáo phẩm chỉ cần ra một thư luân lưu chung và giải thích cách xưng hô. Linh mục các giáo phận xưng hô lại với nhau bằng tiếng anh em, linh mục. Linh mục tại mỗi địa sở cắt nghĩa việc xưng hô và thực hành như vậy, thì đối với các tín hữu lối xưng hô, và hành động tương giao giữa linh mục, giáo dân, giáo hữu sẽ không khó. Tóm lại, theo chủ quan người viết, cái khó không phải là từ phía tín hữu hay giáo dân, mà là thành phần trong giáo phẩm và linh mục.

b- Môi trường huấn luyện:
Tại các đại chủng viện, các linh mục giảng sư và linh mục linh hướng có thể truyền bá tư tưởng và lối xưng hô này. Trong thời gian huấn luyện, nếu các chủng sinh học được từ những bậc thầy mình lối xưng hô và được dậy phải xưng hô như vậy, thì mọi sự dễ dàng hơn.

Thời còn làm một tiểu chủng sinh, ngồi ăn chung với các chú trong một nhà cơm mà thấy lòng mình chua xót. Cơm ở nhà ăn không hết mà ở chủng viện lại phải ăn vội, ăn vàng vì nếu không sẽ hết phần. Ngược lại, ở bàn trên các linh mục giảng sư, các linh mục linh hướng thì ê hề rượu thịt. Cứ thế mà nhâm nhi, cứ thế mà thoải mái, khiến bọn chủng sinh không những không được ăn, mà còn phải ngồi chờ các đấng dùng bữa. Tôi cho đây là một sự đầy đọa, trừng phạt tâm lý kinh khủng và là một ấn tượng giai cấp, một bài học, một lối huấn luyện giai cấp nặng nề nhất. Vì nếu may mắn, chỉ trong vòng ít năm sau, một ai đó trong chúng tôi vượt qua được ngưỡng cửa chủng viện, lúc đó “làm cha” rồi thì bổn cũ sẽ xào lại. Và lúc đó đừng nói đến lối xưng hô cha/con, mà còn cả một lối sống đế quốc, bảo hoàng hơn vua sẽ được áp dụng. Đó chỉ là một trong những tâm sự của những ai đã từng có thời sống dưới mái nhà tiểu chủng viện.

c- Các cơ quan ngôn luận:
Các cơ quan ngôn luận, những nhà cầm bút, nếu tiếp tay vào chiến dịch này vẫn có thể là một đóng góp rất lớn lao. Thí dụ, không dùng từ “Đức Giám Mục Gioan” mà là “Giám Mục Gioan”. Không viết “cha Giacôbê” mà là “linh mục Giacôbê”, linh mục chính xứ thay vì cha xứ... trong văn phong của mình, và như vậy, lối xưng hô và viết ấy ttên văn bản, trên các cơ quan truyền thông đại chúng sẽ là một cuộc sửa đổi ảnh hưởng suy tư và lối sống của người tín hữu.

KẾT LUẬN:

Những tư tưởng trên và những tư tưởng đã được trình bày trong bài DANH XƯNG TRONG GIÁO HỘI trước, điều được viết ra và trình bày với tất cả lòng kính phục thánh chức và phẩm chức linh mục. Không phải là con người linh mục, mà chỉ là lối xưng hô đã trở thành không hợp thời, và ngăn trở cho vấn đề giao tế thường ngày, sự hội nhập của Giáo Hội vào với xã hội đang trong đà đổi mới về tư tưởng, quan niệm và lối sống cần được cập nhật hóa, sửa đổi và thay thế.

Ước mong những đóng góp này sẽ tạo nên bầu khí cởi mở, chân thành, hợp nhất, quí trọng và trưởng thành của mọi ơn gọi và phần tử của Giáo hội. Và qua đó, bộ mặt của Giáo Hội, và bộ mặt của Chúa Giêsu được mọi người biết đến, để Thiên Chúa được vinh danh, và phần rỗi các linh hồn. Do tâm tình thành kính và xây dựng, tác giả mong đón nhận những ý kiến đóng góp với chiều hướng xây dựng.

Trần Mỹ Duyệt

BÀI GÓP Ý - CHO RỘNG ĐƯỜNG DƯ LUẬN

* G.S. Xuân Vũ TRẦN ĐÌNH NGỌC

Tôi vùa đọc xong bài “Hãy mở mắt ra” của LM. A , đáp lại mấy điểm trong bài “Hãy mở mắt ra” của LM. B mà chúng tôi tránh nêu tên cả hai để bạn đọc có sự phê phán khách quan hơn.

Đại khái LM. B khuyên giáo dân rằng: ”Hãy mở mắt ra coi Phật tử, họ không qui định trong Văn hiến của họ mà từ trên xuống dưới đều gọi các vị tăng là “Thầy” xưng “con”, ngay cả với những trí thức khoa bảng đứng khoanh tay lễ phép xưng hô với những vị tăng trẻ tuổi.”

Thưa LM. B , chúng tôi không cần lấy ai làm gương mẫu cho chúng tôi cả. Với những gì thâu thập được trong suốt cuộc đời, với lý trí biết cái nào sai, cái nào đúng, với sách vở, học hành hỗ trợ, chúng tôi - những giáo dân đã trưởng thành - biết phải làm gì và không nên làm gì. Phật tử, như mọi người khác, có người đúng, có người sai, có người tốt, có kẻ xấu, có người làm rạng danh Phật giáo đồ, trái lại có kẻ để lại tiếng xấu cho đồng đạo đến muôn đời. Người Công giáo cũng thế và cả các Linh Mục, Phó tế, Thượng tọa, Đại đức, Ni cô, Nữ tu, tất cả đều phải xét đoán riêng biệt, không thể suy luận “cá mè một lứa” một cách bao gồm như vậy được.

Ngày xưa, chính cá nhân người đang viết những dòng này, gọi bố tôi là “thầy” (master) vì được chỉ dẫn gọi như thế. Giờ này, có đề cập đến bố, tôi vẫn có thói quen gọi là ‘Thầy tôi”. Thầy, như thời bố tôi, là ông thầy dạy học, gọi bố là thầy vì bố khai tâm cho mình, chỉ vẽ điều hay lẽ phải cho mình từ khi còn thơ ấu. Trẻ con gọi bố là thầy ở thành phố và một ít miền quê, cũng có nghĩa người bố đó có chữ nghĩa, có học hành, có thể chỉ vẽ cho con cái hoặc con hàng xóm biết nghĩa lý Thánh hiền mà lúc đó là đạo Nho. Ở làng tôi, một nông dân chỉ biết cày cuốc, không dám dạy con gọi mình là “thầy” bởi lý lẽ đã nói trên.

Theo ngu ý, Phật tử gọi các vị tăng là “thầy” cũng ở cái nghĩa thầy dạy (master), thầy khai tâm, dẫn dắt mình ra khỏi chốn vô minh. Gọi “thầy” xưng “tôi” rất bình thường, không cần phải đắn đo. Tuy nhiên, có những Phật tử vì kính trọng bậc chân tu, gọi thầy, xưng con cũng chẳng sao, như trường hợp Phật tử trẻ tuổi mà vị tăng lại đã lớn tuổi đáng tuổi cha, chú, ông nội, ông ngoại. Lại cũng tùy theo thái độ của vị tăng khi người đối thoại xưng “tôi”. Riêng tôi, khi tôi nói chuyện với một số Hòa thượng, Thượng tọa, tôi xưng “tôi”, tôi không thấy các vị này tỏ ra khó chịu. Nhưng đó chỉ là một số, còn những vị Hòa thượng, Thượng tọa khác, tôi không biết.

Nhưng cũng cá nhân tôi, nếu xưng “tôi” với nhiều Linh mục, tôi thấy rõ sự khó chịu.

Chữ “Thầy” như giải thìch sơ lược ở trên, còn chữ “Cha” thì sao?

Nó bắt nguồn từ chữ “père” = cha, từ khi người Pháp sang xâm chiếm Việt Nam, từ khi Gia Long Nguyễn Ánh trao Hoàng tử Cảnh cho Giám Mục Bá đa Lộc làm con tin, đem về Pháp xin với vua nước Pháp giúp súng ống, quân lính cho Gia Long để ông diệt nhà Tây Sơn, Quang Trung đại đế.

Người Pháp gọi LM là “père” cũng như người Mỹ, “father”, nên người Công giáo VN, nhất là giới giáo sĩ, đa phần là các cố Tây ban Nha, Pháp, Bồ đào Nha...dùng khái niệm đó mà gọi LM là “cha”. Tiếng “cha” trọng hơn tiếng “thầy” một bực vì “Cha” là người, cùng với mẹ, sinh ra mình. Dù ngụy biện cách nào chăng nữa, khi gọi một người không sinh ra mình là “cha”- ngoại trừ Cha trên trời, Đấng Thượng Đế - danh từ mình gọi phụ thân mình, nhiềù người, đặc biệt những vị cao niên, cũng thấy khó chịu, nhất là với những LM chỉ đáng tuổi con, cháu.

Nhiều cụ già đã móm mém, 70, 80, 90 vẫn cứ xưng con với Linh mục vừa chịu chức, 28-30 tuổi đầu chỉ đáng cháu nội, cháu ngoại. Sự xưng hô ấy với nhiều gia đình có Linh mục, cũng đi vào gia đình. Tôi đã thấy một số ông cố, bà cố đã gọi con mình là “cha” và xưng “con” dễ dàng. Tôi thật ngạc nhiên và phải suy nghĩ về cách xưng hô của người Việt Nam ta. Nếu tôi là vị LM, với các vị cao niên, tôi đã thấy chướng đừng nói là cha mẹ.

Chắc nhiều người trong chúng ta còn nhớ câu này trong Thánh kinh:”Bay không được gọi ai là Cha, ngoại trừ Cha bay trên trời.(Mt 23:8-10)” Người viết xin phép thêm:”Và người đàn ông đã sinh ra thân thể bay”. Luôn luôn nhớ rằng chúng tôi giữ đạo với Chúa, LM chỉ là người giúp đỡ, hướng dẫn vì ngoài thánh chức LM, LM cũng là một giáo dân trước đã.

(Ngoài ra cũng nên để ý, tiếng “father” người Mỹ dùng để gọi LM là rất chung, trẻ em còn một danh từ khác để gọi cha mình là “Daddy, gọi tắt là Dad, (tiếng Pháp: papa) mà người giáo dân không bao giờ dùng Daddy để gọi LM. Tự điển Webster’s New World Dictionary giải thích chữ father như sau: 1- a male parent 2- God 3- an ancestor 4- an originator, founder or inventor 5- a christian priest: used esp. as a title)

Nhiều nơi ở VN hiện nay không có LM, giáo dân vẫn giữ đạo đàng hoàng. Họ đạo của tôi ở Trà Lũ là một. Chẳng những vậy, nghèo khổ cực nhọc như thế, một ngày cày cấy quần quật chỉ được khoảng 25cents USD, lại bị cấm đoán, trù dập khi tỏ ra sùng đạo, mà vẫn cùng với chúng tôi ở hải ngoại gửi tiền về phụ giúp, giáo dân đã hi sinh giờ nghỉ cả hai, ba năm trời, cất lại một ngôi thánh đường khang trang chứa được dăm trăm người với chân móng bằng bê-tông cốt sắt để thay thế ngôi nhà thờ bằng gỗ lim cất từ thời thầy tôi còn là một thanh niên, đến nay đã sắp sụm hoàn toàn. Bây giờ, người trong họ đạo báo cho tôi biết, một, hai tháng may ra mới có LM về dâng lễ một lần.

Mới đây, Tổng Giám mục Sean O’Maley, Tổng giáo phận Boston - người thay thế Hồng Y Bernard Law – đã cho “thả nổi” 65 giáo xứ, nghĩa là không có Linh mục phục vụ vì tiền hết, LM cũng không. Những giáo dân 65 giáo xứ này bỏ đạo cả sao ?

Điều đó chứng tỏ không cần phải có LM mới thờ phượng Chúa, giữ đạo được. “Đạo tại tâm” luôn luôn đúng. LM làm thăng hoa cuộc sống đạo chứ không phải một bức thiết, không có không được. Có Linh mục đó mà giữ đạo hời hợt thì cũng như không. Nhưng nếu có LM luôn luôn túc trực, thì chắc chắn việc thờ phượng phải tốt hơn nhiều rồi. Ấy là ở Việt Nam. Còn ở Pháp, ở Ý, như tôi đã chứng kiến từ năm 1972, nhà thờ rất nhiều, LM dâng lễ bên trên chỉ có 5, 7 cụ cao niên quì bên dưới. Tuyệt nhiên không bao giờ thấy một anh thanh niên, chị thanh nữ. Vậy có phải luôn luôn LM làm cho người ta tốt hơn lên đâu. Chính ở Việt Nam hiện nay, những nơi không có LM lại là những nơi giáo dân kiên trì với đức Tin và sống chết với đức Tin mạnh mẽ nhất.

Xin đừng ngụy biện như LM. B. rằng, LM là người đã sinh ra các tín đồ cho giáo hội nên phải gọi là Cha. Có nhiều LM không sinh sản tín đồ, mà còn làm gương mù cho tín đồ bỏ Chúa, vậy tại sao cũng cứ phải gọi các LM đó là “cha”? Rất nhiều LM tốt lành, làm đủ bổn phận, đáng kính - tôi rất ít dùng chữ “thánh thiện” - nhưng cũng không thiếu LM tì vết như mấy ngàn LM trong những vụ xâm hại tình dục mới phanh phui đây, và còn nhiều LM chưa bị phanh phui hay chỉ có Chúa biết “Dieu seul le sait” , những giáo sĩ này so với các giáo dân bình thường như chúng tôi, còn thua xa về phẩm hạnh, vậy cứ phải một điều “cha” hai điều “con” rồi nhìn lại không thấy mắc cở sao?

Người viết có cảm tưởng LM B “quyết ăn thua đủ” để giữ hai tiếng “cha, con” cho Linh Mục. Gọi là “cha” đấy nhưng lòng không kính trọng thì có ích gì ? Một LM xưa ở xứ Tân Phú (Bà Quẹo) tôi miễn nêu tên, khi tôi nói chuyện với Giám Mục Trần Thanh Khâm, Giám mục Phó Sàigon về LM này khi tình cờ Giám mục và tôi đề cập đến xứ Tân Phú, vị Giám mục cũng lắc đầu. Giám mục Trần thanh Khâm còn nói với tôi nhiều điều khác nhưng phạm vi bài này không cho phép đề cập. Phải sâu sắc và khiêm nhường ra, người viết trộm nghĩ, LM B cứ nói, “danh từ thì nhằm nhò gì, quí vị muốn gọi chúng tôi là gì không quan trọng, mà quan trọng là chúng tôi có làm hết sứ mệnh khó khăn Chúa và Giáo hội giao phó hay không ?”

Đúng ra, như thiển ý người viết, các Hồng Y, các Giám mục, Linh Mục Việt Nam – như một bài báo trên Nguyệt báo Nhận Định cách đây 25 năm xuất bản tại Quận Cam, CA, người viết đã trình bày - rằng, các vị này nên tự phát ngôn trước, ngay cả trên tòa giảng:” Từ nay, xin anh chị em gọi chúng tôi theo phẩm tước, thí dụ Kính thưa Tổng Giám Mục, Kính thưa Giám Mục. thưa Linh Mục và chỉ xưng “tôi”. Những thanh thiếu niên, có thể xưng “con” tùy ý nhưng các vị cao niên, ngang tuổi với vị giáo sĩ đang đối thoại trở lên, chỉ nên xưng “tôi”. TD: Thưa Linh Mục, tôi muốn xin LM cho gặp để nói về việc làm phép nhà. Tôi xin được hỏi; hôm nay giờ nào LM về lại nhà xứ ? vv...và vv...

Khi các vị giáo sĩ “cho phép” như vậy, tín hữu hay giáo dân - chứ không phải con chiên - sẽ mạnh dạn bỏ “hủ tục” vì sự xưng hô như thế, đã ăn vào xương tủy người giáo dân từ mấy trăm năm rồi. Như ngày xưa, hồi tôi dăm, bảy tuổi, mọi người giáo dân từ già đến trẻ đều phải”xin phép (mới được) lậy cha”, một điều nghĩ lại quả là kỳ cục.

Những di sản của các cố Tây, cố Bồ đào Nha, cố Y-pha-nho... nên được “chôn” theo các cố cho hợp trào lưu. Giáo dân kính trọng LM không vì cách xưng hô mà vì tư cách, đạo đức, cách ứng xử, tinh thần vị tha, sự hiểu biết, đức khôn ngoan, đức khiêm nhường của các Linh mục. LM được các người hiểu biết quí trọng mới đáng hãnh diện chứ đám giáo dân ít học, vô học, bảo sao nghe vậy, chỉ biết xin phép lậy, nào có hãnh diện gì ?

Cũng xin nhắc lại cho đầy đủ, hơn ba thế kỷ trôi qua đi, chúng ta vẫn đọc các kinh với nhân xưng đại danh tự thứ nhất là “tôi”, không có trở ngại, ngay cả với Đấng Thượng Đế:

“Lậy Cha chúng tôi ở trên trời...” “Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng...” “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng tôi...” vv...và vv...

Nào có vô lễ đâu ? Huống hồ là với một thụ tạo như mình , dù có chức Linh mục. Quan niệm từ rất xa xưa: ”Linh mục là một đấng Kitô khác (Alter Christus)”, ngày nay chính nhiều giáo sĩ cũng nói, nó đã lỗi thời, không nên duy trì.

Ngoài ra cũng bàn thêm một chút. Danh từ Linh mục, Giám mục, rất có ý nghĩa. Chúng tôi khỏi phải dài dòng. Nhưng danh từ “Hồng Y”, chỉ có nghĩa là “áo đỏ”, nó không nói lên cái gì mặc dù dịch từ tiếng “Cardinal” sang. Nhiều người ngoài CG – nên gọi là Thiên Chúa giáo, hay Kitô giáo đúng hơn – không hiểu tại sao Đức Cha lại lớn hơn Đức Ông, người ta nghĩ rằng ông sinh ra cha thì Đức Ông phải lớn hơn Đức Cha mới thuận.

Chẳng qua dùng cho xong việc vì chẳng còn cách gì hơn để dịch tiếng “monsignor”. Tại sao ta không dùng “Linh Mục Niên trưởng” vừa khiêm nhường vừa hợp lý thay vì Đức Ông, nghe lố bịch và không hợp lý ? Đức Ông, người ta cứ nghĩ là ngang hàng với Đức Bà ( Maria). Đức Ông, Đức Bà, những danh từ “chết người” nhưng cứ để dùng muôn đời không thay đổi.


-“Hôm nay anh chị đi lễ nhà thờ nào?”

- “Dạ, chúng tôi đi lễ nhà thờ Đức Bà”

Vừa trả lời xong thì gặp một “Đức ông”người trần mắt thịt.

- “Ủa, Đức ông của anh ngang hàng với Đức Bà Maria, Mẹ Thiên Chúa?”

Thật là một sự phạm thượng hãi hùng!

Các thày lý đoán đã chịu chức bốn, chức sáu xưa kia gọi là “Cụ Bốn” “Cụ Sáu” như cụ Sáu Trần Lục, Phát Diệm làm nhiều người không hiểu, “cụ” sao còn trẻ quá thế, chưa đến ba mươi tuổi? Thì ra chỉ dùng mọi từ trọng vọng để chỉ nhà tu dù nó có vô lý, nữ tu không gọi lại phải gọi là “dì phước”, đó là chị hoặc em mẹ mình. Còn gọi “Sơ” (Soeur = chị, em), nó lại không phải Việt ngữ. Tiếng Nữ tu quá đẹp mà không chịu thì còn tiếng nào hơn ?

Từ “Đức Thánh Cha” cũng không chỉnh. Theo dòng tư tưởng: Cha, Đức Cha, rồi lên Đức Thánh Cha. Có thể hỏi:

- ”Vị Giáo hoàng đã là Thánh chưa ? Bao nhiêu vị Giáo hoàng sau khi qua đời được phong Thánh ?”

Như Đức Gio-an XXIII được Giáo hoàng John Paul II phong lên á thánh. Bây giờ cầu xin với Ngài hoặc nói đến Ngài, người ta gọi là ông thánh Gio-an XXIII chứ không gọi là Đức Thánh Gio-an XXIII. Vậy mà khi tại thế, Ngài được gọi là Đức Thánh Cha Gio-an XXIII, có phải với danh xưng, Ngài đã tụt xuống nhiều bậc, từ Đức Thánh Cha (nghe na ná như Đức Chúa Cha) xuống ông thánh như muôn vàn ông bà thánh khác. Chữ nghĩa thật là hàm hồ và vô lý.

Vậy khi Giáo hoàng còn tại thế đã gọi là Thánh, lại Đức Thánh Cha thì thực không hợp lý. Mở lịch sử Giáo hội ra coi những vị Giáo hoàng nào tốt, những vị Giáo hoàng nào không, sẽ biết ngay có nên dùng những danh từ cường điệu như thế không ?

Chúng ta là người trong Đạo chúng ta chấp nhận được, nhưng còn người ngoài Đạo, cả 5 tỉ người, họ nghe thế họ sẽ nghĩ sao ? Báo chí và đài Mỹ người ta chỉ dùng “Pope”, báo Pháp “pape”, rất hiếm khi dùng “Holy Father”, mà dù có dùng “Holy Father” nó không quá tôn trọng như “Đức Thánh Cha” nghe na ná như Đức Chúa Cha nên rất nhiều người ngoài đạo hỏi tôi:

- ” Đức Thánh Cha lớn hay Đức Chúa Cha lớn ?”

Khi tôi giải thích ra, họ chỉ lắc đầu. Theo thiển ý, chúng ta chỉ nên xưng hô là vị Giáo chủ, vị Giáo hoàng, đủ ý nghĩa mà không thiếu lễ độ. Các vị Giáo hoàng thời nay cũng đã ý thức sâu xa cách xưng hô. Các Ngài không xưng mình là “Ta” và gọi giáo dân là “con” nữa. Các danh từ này, các Ngài dành cho Chúa Kitô: ”Ta bảo thật các con...” mà chỉ là “tôi” và gọi giáo hữu là các bạn, các anh chị em. Đủ biết danh xưng quan trọng như thế nào.

Ngoài ra chữ “Đức” chỉ nên dùng cho Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, Đức Chúa Thánh Thần và Đức Bà Maria. Từ ông thánh Giuse – phu quân Đức Bà Maria, cha nuôi của Chúa – ông thánh Phêrô - vị Giáo hoàng tiên khởi - và hàng ngàn vị Thánh khác không vị nào được gọi là Đức. Dùng cho Đức Ông là một sự phạm thượng, cưỡng từ đoạt lý một cách tệ hại. Người được gọi là Đức có thực Đức (virtue) không ? Nói chung, không thiếu những “monsignor” ở khắp mọi nơi, chẳng có Đức gì cả!

Đức Khổng tử, vị vạn thế sư biểu Á đông, người duy nhất được gọi là Đức trong số 1 tỉ 2 người Trung hoa, và hàng tỉ người ở nhiều quốc gia khác, trong đó có cha ông chúng ta, hàng ngàn năm trước, đã học hỏi văn tự, văn hóa từ Khổng tử, đã nói: ” Danh bất chính, ngôn bất thuận”

Danh không chính đáng thì nói ra không thuận tai. Sự xưng hô là điều rất cần thiết trong đối thoại hàng ngày. Chính vì danh xưng, nhiều người đã mất bạn, mất bè khi sự xưng hô kém phần chỉnh đốn và tế nhị. Việt ngữ rất phong phú nhưng cũng rất khó khăn trong việc xưng hô vì chúng ta thiếu những chữ “ngộ, nị” của tiếng Tàu, “je, tu, vous, lui, il, elle” tiếng Pháp, và “I, we, you, he, she, him, her, they” vv... tiếng Anh.

Ai trong chúng ta cũng thuộc lòng câu này trong thánh lễ: ”Through him, with him, and in him....” “Him” đây là ai vậy? Có phải là Đấng Kitô không? Khi “him” dùng để chỉ một em bé mới vài tháng tuổi, thì đứa bé đó cũng là “him”. Người ta đâu có cần dùng từ khác để chỉ Đấng Kitô đâu mặc dù người ta có thể đặt: ”Through Lord, with Lord and in Lord...” cũng được vậy!

Đây chỉ là những ý kiến, sự sửa đổi hay tiếp tục như đã có tùy thuộc mọi người. Không có luật lệ nào bắt buộc trong sự xưng hô. Ước mong được những vị cao minh góp thêm ý kiến.

Little Saigon, CA Memorial Day 31-5-2004
G.S XuânVũ TRẦN ĐÌNH NGỌC

I. DANH XƯNG TRONG GIÁO HỘI

Trần Mỹ Duyệt

Trong những thông điệp và văn thư của Giáo Hội gần đây, nếu để ý chúng ta thấy rằng văn phong và lối xưng hô đã được đổi mới. Ngay cả Giáo Hoàng không gọi các tín hữu, các linh mục, tu sĩ nam nữ, hoặc giám mục bằng "con" và xưng "cha" hoặc "ta" như cung cách và văn bản của các thập niên trước. Đặc biệt là Đức Gioan Phaolô II và gần đây Đức Bênêđíctô XVI đã gọi bằng từ "bạn hữu", hay "các bạn", và xưng "tôi". Nếu dịch một cách khiêm tốn và hợp với cung cách của các văn bản Giáo Hội, chúng ta vẫn có thể hiểu và dịch là "các con" và "cha". Và trong trường hợp này, lối xưng hô ấy được coi là thân tình, đơn sơ, và khiêm tốn.

Có lẽ những vị Giáo Hoàng gần đây như Á Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, Đức Phaolô VI, Đức Gioan Phaolô II, và nhất là Đức Bênêđíctô XVI là những vị đã thấm nhuần với sự cải tiến và ảnh hưởng của Công Đồng Vaticanô II, một Công Đồng đã thổi một luồng gió mới vào Giáo Hội qua tác động của Chúa Thánh Thần, làm cho tươi mát và trẻ trung Giáo Hội. Trẻ trung và tươi mát trong cung cách và những đối xử thường ngày với nhau giữa các phần tử trong Giáo Hội cũng như ngoài Giáo Hội. Những đổi mới ấy, khiến cho bộ mặt Giáo Hội trở nên dễ mến hơn. Và việc giới thiệu Giáo Hội với thế giới bên ngoài được dễ dàng đón nhận hơn.

Công Đồng Vaticanô II, dựa vào tư tưởng và sự góp ý của cố Hồng Y Eves Congar, lúc bấy giờ chỉ là một thần học gia thuộc Dòng Đaminh, đã thổi một luồng gió mới vào sinh hoạt của Giáo Hội, nhờ đó không những vấn đề đại kết được Công Đồng đặc biệt chú ý tới, mà còn cả đến ơn gọi và vai trò người Kitô hữu giáo dân cũng được cứu xét và đề cao trong sinh hoạt của Giáo Hội. Tác phẩm "Người Giáo Dân Trong Giáo Hội" trước đó đã bị liệt kê vào những tác phẩm bị nghiêm cấm, nhưng sau đó thì đã được phổ biến sâu rộng và làm nền tảng cho những suy tư thần học về vị trí và vai trò của người giáo dân sau này.

Theo Cố Hồng Y, người tín hữu vì là thành phần của dân Chúa, nên cũng như các tu sĩ nam nữ, hoặc những linh mục, giám mục, hồng y hay giáo hoàng cũng phải có trách nhiệm trực tiếp đối với những việc thuộc Nước Trời. Ngài còn đi xa hơn khi cho rằng tùy theo ơn gọi khác nhau, nhưng không có sứ vụ riêng biệt nào phân chia người tín hữu với thiên chức linh mục. Qua Bí Tích Rửa Tội và Thêm Sức, họ phải có trách nhiệm với đời sống tông đồ của mình. Xa hơn nữa, Ngài còn khẳng định rằng "chức tư tế của giáo dân là một chức tư tế đích thực trong cả sự thánh thiện của ơn gọi và ngay trong các phụng vụ bí tích".

Thế giá của những tư tưởng thần học trên không chỉ dựa vào chức Hồng Y của Ngài, mà là định đặt trên một hành trình thai nghén, chấp nhận mọi bất trắc kể cả việc Giáo Hội chế tài Ngài trong suốt 91 năm có mặt trên trần thế. Ngài đã tranh đấu, đã chấp nhận và đã bằng lòng trước mọi phản đối để bênh vực cho ơn gọi và thế đứng của người Kitô hữu giáo dân trong Giáo Hội. Phần thưởng sau cùng dành cho Ngài ngoài việc Ngài được phục hồi danh dự sau những năm dài bị nghi ngờ, chế tài, và bức xúc về tâm lý, là được mời làm cố vấn thần học cho các Nghị Phụ của Công Đồng Vaticanô II, và 6 tháng trước khi qua đời, Đức Gioan Phaolô II đã vinh thăng Ngài lên chức Hồng Y.

Những tư tưởng quý giá ấy, và những suy tư thần học ấy, tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa được hưởng ứng và chưa được cập nhật hóa vào sinh họat của Giáo Hội Việt Nam, mà điển hình là qua cung cách xưng hô giữa những người mang danh Kitô Giáo nhưng khác nhau về ơn gọi.

Cho đến nay, người Kitô hữu hay tín hữu vẫn được gọi là "giáo dân" hay "con chiên". Những người tu hành thường được gọi là thầy, là sơ, là cha, đức ông, đức cha, đức hồng y, hay đức giáo hoàng. Và qua lối xưng hô ấy ngầm hiểu sự kính trọng và vai trò của từng người. Tuy nhiên, ở vào thời đại hiện nay, khi mà tư tưởng về nhân phẩm, nhân vị, và ơn gọi đang tạo nên một số vấn đề mà thiết tưởng người Kitô hữu giáo dân, cũng như những vị đang sống trong ơn gọi tu hành cần phải nghiêm chỉnh để tìm hiểu. Vì sự tìm hiểu này sẽ làm cho sinh hoạt tôn giáo, tâm linh, và đời sống tâm lý của Giáo Hội phù hợp với ý nghĩa của Công Đồng, đồng thời đem tinh thần Kitô Giáo vào những sinh hoạt của tôn giáo, cũng như xã hội.

Người Kitô hữu giáo dân có nên tiếp tục gọi các linh mục là "cha" và xưng "con" nữa hay không? Và những linh mục, giám mục, hồng y và giáo hoàng có nên tiếp tục gọi những anh chị em mình bằng "con" hay "con chiên" nữa hay không? Điều này cũng cho phép ta nghĩ lại cách xưng hô của những cha mẹ những linh mục, giám mục với con mình bằng cách gọi là "cha" và xưng "con". Sau đây, xin đề nghị một vài sửa đổi trong cách xưng hô vốn đã có từ trước:


Danh xưng hiện thời Danh xưng đề nghị

Giáo dân ---> Tín hữu hay Kitô hữu
Con chiên ---> Xin loại bỏ
Sơ/bà sơ, bà dòng ---> Nữ tu
Thầy dòng ---> Tu sĩ
Thầy triết học ---> Chủng sinh ban triết học
Thầy thần học ---> Chủng sinh ban thần học
Thầy Sáu ---> Phó Tế
Cha, cụ, thầy cả ---> Linh mục
Đức Ông ---> Chưởng mục
Đức Cha/Đức Giám Mục ---> Giám Mục/Đức Giám Mục
Đức Hồng Y ---> Hồng Y/Đức Hồng Y
Đức Giáo Hoàng ---> Giáo Hoàng/Đức Giáo Hoàng
Đức Thánh Cha ---> Giáo Chủ/Đức Thánh Cha
Đức Bà Maria ---> Đức Mẹ Maria hay Đức Maria


Sự khác biệt trong khi loại bỏ chữ "Đức" trước danh xưng "Ông", giám mục, hồng y hay giáo hoàng vì chữ "đức" đã được dùng để biệt kính Mẹ Maria, (Đức Maria/Đức Mẹ Maria) và nhất là để kính Chúa Giêsu, Cứu Thế và là Thiên Chúa thật (Đức Chúa Giêsu Kitô, Đức Giêsu Kitô). Tuy nhiên, trong một cách xưng hô có tính cách lễ nghi, hoặc trịnh trọng, chữ "Đức" cũng chỉ nên áp dụng cho các chức bậc cao trọng như Giám Mục, Hồng Y, và Giáo Hoàng, và chỉ trong những trường hợp đặc biệt.

Vì nếu đã dành trọn sự kính trọng và yêu mến để xưng tựng Chúa Giêsu và Mẹ Maria là "Đức", thì sự khiêm tốn của một chức sắc trong giáo phẩm hay Giáo Hội cũng đã tự cảm thấy cần được giới hạn qua danh xưng mà người khác dành tặng cho chính mình.

Vả lại, khi gọi một người là linh mục, giám mục, hồng y, hay giáo hoàng, thì tự nó đã nói lên lòng kính trọng và yêu quí dành cho người đang mang chức vụ ấy. Vì trong thực tế, nhiều "cha", nhiều "đức ông", và ngay cả "đức cha" cũng chả "đức tý nào" nhưng vẫn nghĩ rằng mình đáng được như vậy vì cái "Đức" của mình, thì vô tình lối xưng hô như vậy làm thiệt hại cho cả người được xưng hô lẫn người xưng hô. Nhất là nó sẽ trở thành một đề tài cho những đàm tiếu và nghi ngờ của những anh chị em không phải là Công Giáo, hoặc đã có một số ác cảm hay ngờ vực đối với Công Giáo.

Tâm lý tiềm ẩn sau những từ ngữ xưng hô như vậy là điều mà Giáo Hội Công Giáo Việt Nam cũng cần lưu ý. Trong thực tế, có rất nhiều linh mục trẻ, trước khi lãnh chức linh mục đã khiêm tốn và sống hòa đồng, tạo được thiện cảm tốt đối với anh chị em tín hữu, nhưng vừa sau khi trở thành một linh mục và qua lối xưng hô "cha - con", đã làm biến thái đời sống và cung cách cư xử của vị linh mục ấy. Vì lúc đó, không còn là một người anh em với các anh chị em tín hữu nữa, mà là "cha". Được cảm thấy hãnh diện vì người khác gọi mình là cha, và rất như có thái độ tự phụ khi gọi người khác bằng "con". Tâm lý này thật ra đã là một tệ trạng ảnh hưởng bởi truyền thống văn hóa và xã hội Việt Nam trước đây, và đã lâu đời đi vào xương tủy của nhiều người. Sự kính trọng học thức, nhất là ảnh hưởng giữa nhu cầu cung và cầu cũng như cách thức vượt qua được sự tuyển chọn làm cho vị linh mục trẻ tưởng mình thật sự cao cả và không thể thiếu hoặc không ai thay thế.

Và cũng qua tâm lý tiềm ẩn ấy, vị linh mục từ từ làm mất đi ý nghĩa phục vụ, ý nghĩa của thiên chức, đến độ coi việc dâng thánh lễ, cử hành các bí tích như một bổn phận nặng nề, nhàm chán. Hầu hết các linh mục Việt Nam cho đến nay vẫn coi việc dâng thánh lễ là một việc làm - có thể là một việc làm cao cả - "tôi phải đi làm lễ".

Điều này cũng không loại bỏ thái độ nịnh bợ, và xua nịnh của tầng lớp giáo dân thiếu trưởng thành, và ngay cả những giáo dân muốn có chút quyền, chút lợi trong sinh hoạt giáo xứ và giáo hội. Đối với những tín hữu này thì việc thổi phồng và đánh bóng một người để được hưởng ké cái vinh quang hoặc bổng lộc cũng là một việc làm thường thấy. Từ tư tưởng ấy, linh mục hay cha càng được bao che, như việc thần tượng hóa lãnh tụ trong các chế độ độc tài với dụng ý hưởng lợi. Như vậy, bề ngoài những tín hữu này tỏ ra rất ngoan hiền, kính trọng "cha", "cụ" nhưng tự thâm thâm và sau lưng "cha" hay "cụ" đối với họ chỉ là một cái bình phong cần thiết.

Không những trong lãnh vực tu đức đã không cho ta một ý nghĩa mạnh trong lối xưng hô "cha-con" như thói quen hiện nay. Việc xưng hô ấy cũng không phản ảnh được ý nghĩa mà Thánh Kinh đã nhắc nhở. Thật vậy, không tìm đâu ra được chỗ nào trong Tân Ước, trong đó, Chúa Giêsu dậy chúng ta phải xưng hô với linh mục là "cha", và các giám mục, hồng y, giáo hoàng là "đức" - đức giám mục, đức hồng y hay đức giáo hoàng. Vì ngay thời Ngài, Chúa Giêsu chưa thiết lập vai trò linh mục và hồng y. Hai chức này chỉ đến với sinh hoạt của Giáo Hội sau này, khi nhu cầu và hệ thống tổ chức của Giáo Hội đòi hỏi ở những thế kỷ sau này trong tiến trình phát triển của Giáo Hội. Phần Chúa Giêsu, Ngài đã chỉ huấn luyện và gọi các môn đệ thân tín là Nhóm 12 của Ngài là Tông Đồ, và trong đó Phêrô được gọi là Tông Đồ Trưởng, và trước khi về trời, Chúa đã trao phó cho Phêrô nhiệm vụ mà sau này ta gọi là nhiệm vụ Giáo Hoàng, Giáo Chủ, Giáo Tông, hay Cha Chung của Giáo Hội.

Chúng ta cũng không tìm đâu thấy các tín hữu sơ khởi đã gọi các Tông Đồ và sau này các phụ tá của các Tông Đồ, tức những người đã được coi là có tư cách và đạo đức, và bằng việc đặt tay mà Giáo Hội gọi là truyền chức cho những phụ tá các Tông Đồ thời đó là các phó tế, và tiếp theo sau này là linh mục. Trong tiến trình thành hình chức linh mục ấy và sau đó, lịch sử Giáo Hội sơ khai đã không thấy một hình ảnh "cha" nào trong cách xưng hô.

Ngược lại, Chúa Giêsu đã nói rất rõ về lối xưng hô với mọi người, như Ngài đã nói: "Đừng gọi ai là cha dưới đất, vì chúng con chỉ có một Cha trên trời" (Mt 23:9). Nếu câu nói ấy không thể loại bỏ giới răn thứ 4 là "thảo kính cha mẹ", vì trong giới răn ấy, vai trò và các xưng hô "cha-con" giữa một người cha và mẹ và con cái được hiểu một cách hoàn toàn rõ ràng và đầy đủ.

Như vậy, nếu Chúa Giêsu bảo đừng gọi ai là cha thì hiểu rằng Ngài muốn ám chỉ những thành phần kinh sư, Pharisiêu, và luật sĩ thời ấy. Những người mà chính Ngài cũng đã nói: "Chúng ngồi trên tòa Maisen, nên hãy nghe mà đừng bắt chước việc chúng". Những người ngồi trên tòa Maisen đây, trong bối cảnh của thời đại ta là các linh mục, giám mục, hồng y và giáo hoàng. Chúa Giêsu thì muốn và nói như vậy, nhưng phần con người thì lại muốn và hành động khác, như vậy không thể có sự tôn kính và vâng phục ít nhất là trong cung cách thi hành lời Ngài. Và chúng ta chỉ có thể tìm thấy trong những lối xưng hô ấy bằng cách giải thích theo từng ảnh hưởng của mỗi nền văn hóa.

Ngay những ngày đầu của bước đường tỵ nạn vào năm 1975, người viết rất lấy làm ngạc nhiên khi nghe một giám mục mà sau này là hồng y đã gọi một linh mục lớn tuổi bằng tên gọi của ông "John" và vị linh mục ấy cũng gọi lại vị giám mục bằng tên gọi "Bernard". Gần đây nhất, trong một lần gặp gỡ Giám Mục Mai Thanh Lương, người viết vẫn còn cảm thấy ngỡ ngàng, khi người phụ trách phòng khách trả lời rằng "Dominic hả? Xin vui lòng chờ một chút!". Tuy có hơi ngạc nhiên khi nghe lối xưng hô như vậy, nhưng tuyệt nhiên không thấy có sự bất kính hay một hình thức gọi là thiếu tôn trọng nào. Có lẽ nhiều giáo hữu Việt Nam cũng đã bắt đầu quen với lối xưng hô như vậy khi nghe người tín hữu Hoa Kỳ hoặc ngoại quốc gọi giám mục, linh mục của họ bằng tên của mỗi vị.

Tóm lại, người tín hữu nên dành cho các linh mục, giám mục, hồng y, và nhất là giáo hoàng sự kính trọng xứng đáng với phẩm chức của mỗi vị. Tuy nhiên, trong cung cách cư xử hàng ngày, nhất là trong cách xưng hô thì không phải vì vậy mà tạo nên một khoảng cách khiến có những hiểu lầm và lạm dụng giữa kẻ nói và người nghe; giữa người xưng hô và kẻ được xưng hô. Điều này chỉ có thể cắt nghĩa được bằng một tâm thức và lối sống thiếu thông cảm, thiếu cởi mở và tương kính lẫn nhau. Tuy khó khăn nhưng chúng ta cũng nên bắt đầu, vì nếu lối xưng hô từ trước đến nay là do được tạo nên bằng một bề dầy lịch sử, thì dần dần với cung cách và lối xưng hô mới mẻ này cũng sẽ tạo nên một truyền thống và đổi mới tốt đẹp dẫn đến một cung cách cư xử, và sống đạo tương kính, nhẹ nhàng, và trưởng thành đối với mọi thành phần trong Giáo Hội.

CHỈ BỐN VỊ ĐỨC

Kính tặng toàn thể Cộng Đoàn
Dân Chúa: “để suy nghĩ”và cho tác giả
bài thơ này lĩnh cao kiến. Đa tạ.



Đức ông, Đức cha và Đức Mẹ
Đức nào là chính “gốc” thưa anh?
Chuyện này nếu nói cho rành
Tôi e có lẽ đành hanh chuyện dời!


Nguyên Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa
Đức Maria trinh nữ sinh con
Cao sang, nhân đức vuông tròn
Mẹ xứng chữ “Đức” sinh con Chúa Trời!


Vị chi bốn vị đạt chữ “Đức”,
Đức Chúa Cha cùng Chúa Thánh Thần
Ngôi Hai, Đức Chúa xuống trần
Mẹ Ngài, Đức Nữ Mari nhân lành!


Danh vị “Đức” hiếm hoi như thế!
Từ phu quân Đức Nữ đồng trinh
Gọi Ngài: “ông thánh Giuse”
Chưa hề gọi “Đức Giuse” bao giờ!


Thánh Phêrô, Phaolồ, chư thánh...
Cũng không dùng tiếng “Đức” tuyên xưng
Vì chưng “Đức” chỉ được dùng
Trong danh xưng Đức Chúa Trời mà thôi!


Nay anh hỏi:” Đức ông” “Đức Mẹ”
Tôi dè dặt thưa khẽ cùng anh
Muốn cho ngôn thuận, chính danh
Nếu không danh chính, ngôn đành phải hư!


Đổi Đức ông: Linh mục Niên trưởng
Thay Đức cha: Giám mục ...Gio-an
Hồng y bỏ “Đức” vẫn sang
Không Đức thánh... nữa mà ra Giáo Hoàng!


Ai muốn kêu “cha” thì tùy ý
Nhưng “Linh mục” là tiếng phổ thông
Từ “cha” để chỉ đàn ông
sinh ta thể xác gồm thông tinh thần!


Ta còn có một Cha thiên giới*
Đức Chúa Cha là chính cha ta
Còn như nhân thế, người ta
Chỉ một cha đẻ, ngoài ra không còn!


Những danh từ bốn trăm năm trước
Từ cố Tây, cố Ý, Bồ đào
Thời nay ta phải làm sao
Hễ danh không chính, ngôn nào ai nghe?


Bút Xuân TRẦN ĐÌNH NGỌC

*”Các con đừng gọi ai ở dưới đất này là cha
của các con vì các con chỉ có một Cha là Cha
trên trời. (Mt 11:29)